“Megh Santoor Billboard” là chiếc biển quảng cáo tương tác có thể phát ra tiếng nhạc du dương mỗi khi mưa xuống được sáng tạo bởi thương hiệu trà ấn độ Brooke Bond Taj Mahal. Với ý tưởng độc đáo và thân thiện với môi trường, tác phẩm quảng cáo ngoài trời (OOH) đặc biệt này còn ghi danh kỷ lục Guinness với danh hiệu “Biển quảng cáo tương tác với môi trường lớn nhất thế giới”.
Chiếc biển quảng cáo này có gì độc lạ và cách thức phát ra tiếng nhạc như thế nào, cũng như giá trị mà nó đem lại cho cộng đồng là gì, hãy cùng Unique OOH đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
“Megh Santoor Billboard” – Biển quảng cáo tương tác với môi trường lớn nhất thế giới
Được thành lập vào năm 1966 và ngày nay là một trong những thương hiệu trà nổi tiếng nhất của Ấn Độ, Taj Mahal (tên đầy đủ là Brooke Bond Taj Mahal) từ lâu đã nổi tiếng với việc sử dụng âm nhạc trong hoạt động tiếp thị của mình. Trong nhiều thập kỷ, họ đã mang Music Marketing đến với người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm các buổi hòa nhạc trực tiếp, tài trợ cho các sự kiện âm nhạc và các chiến dịch có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng…
Với chiến dịch tiếp thị mới vào mùa mưa năm nay, Taj Mahal tiếp tục mang âm nhạc đến cho mọi người trong một tác phẩm độc đáo hơn nữa, điểm đặc biệt nhất là nó còn có thể tương tác với chính thời tiết của Ấn Độ và mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân nơi đây.
Taj Mahal sáng tạo nên “Megh Santoor Billboard” – Biển quảng cáo có thể tự chơi nhạc vào những ngày mưa rơi
Kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 9 hằng năm chính là mùa gió mùa (monsoon) của Ấn Độ, đặc trưng thời tiết của thời điểm này là những trận mưa lớn diễn ra liên tục, lượng nước xối xả đổ xuống gây ảnh hưởng khá nhiều đến công việc đồng áng, đời sống và sinh hoạt của người dân.
Lấy cảm hứng từ Raag Megh Malhar, một hình thức âm nhạc cổ điển của Ấn Độ (còn được gọi là Symphony of Rains) gắn liền với nét văn hóa gió mùa, Taj Mahal đã bắt tay với agency Ogilvy India và Rapport Advertising thực hiện một tác phẩm quảng cáo ngoài trời tương tác (Interactive OOH) vô cùng sáng tạo khi tận dụng chính những cơn mưa tưởng chừng “khó chịu” này để tạo thành bản nhạc tự phát, với mục đích chính là xua tan đi nỗi khó chịu của mọi người).
Cây đàn Santoor và nhạc truyền thống Raag Megh Malhar là nguồn cảm hứng tạo nên chiến dịch
Biển quảng cáo ngoài trời chạy bằng năng lượng thiên nhiên này có tên là “Megh Santoor Billboard” mô phỏng lại cây đàn Santoor – một loại nhạc cụ truyền thống nổi danh của Ấn Độ, “Megh Santoor là sự kết hợp của “Megh” (mưa) với “Santoor” (nhạc cụ dây). Tác phẩm được lắp đặt ngay tại nhà ga Vijayawada ở phía Nam Ấn Độ, một trong những nơi bận rộn nhất trong thành phố với lượng người xe qua lại vô cùng đông đúc.
“Megh Santoor Billboard” đã được lắp đặt tại một trong những nhà ga lớn ở phía Nam Ấn Độ
Được mô phỏng như một cây đàn Santoor ngoài đời thực, Billboard cũng có 31 dây đàn và phát ra âm thanh như khi chơi nhạc cụ.
Cơ chế hoạt động như sau: Khi cơn mưa nặng hạt rơi xuống, nước sẽ được những thanh gỗ hứng lại, khi đựng đầy nước, thanh gỗ sẽ chuyển động lên xuống và đập vào phần dây đàn ở phía sau. Nhờ cách sắp xếp khéo léo mà tiếng nhạc sẽ được phát ra một cách có tiết tấu và vần điệu, giúp mọi người thưởng thức buổi hòa nhạc của mưa.
Nước mưa được tích lại trên thanh gỗ và khi đủ nặng nó sẽ đập xuống dây đàn phát ra âm thanh
Chiếc Billboard quảng cáo sáng tạo này còn được trang bị thêm bộ 31 đèn LED tương ứng với 31 dây đàn Megh Santoor, cứ mỗi nhịp điệu vang lên là dây đàn cũng sẽ phát sáng vô cùng nổi bật.
Những âm thanh nhẹ nhàng, du dương giữa tiết trời u tối của mùa mưa sẽ khiến cho người đi đường cảm thấy thoải mái, thư thái hơn. Xua tan đi nỗi khó chịu khi bị các cơn mưa bất ngờ đó làm cản trở công việc.
Mỗi khi dây đàn được gẩy, ánh sáng cũng phát ra vô cùng đẹp mắt
Việc thiết kế “Megh Santoor Billboard” đòi hỏi sự lên kế hoạch tỉ mỉ và sự hợp tác giữa các nhóm sáng tạo, chuyên gia kỹ thuật và chuyên gia về nhạc cổ điển Ấn Độ – tất cả cùng làm việc để tạo ra tấm biển quảng cáo phát bản nhạc Raag Megh Malhar được phối âm bởi tiếng mưa.
Tác phẩm nổi bật giữ trời mưa âm u
Tác phẩm được cố vấn bởi Taufiq Qureshi – một nhạc sĩ, nghệ sĩ và nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng của Ấn Độ, cùng với đó là một nhóm gồm 50 chuyên gia đã làm việc cùng nhau trong sáu tháng để chuyển ý tưởng thành một nhạc cụ chơi trong gió mùa.
Biển quảng cáo ngoài trời biết phát ra tiếng nhạc có tổng chiều dài 45 mét, tổng diện tích bề mặt lên tới 209 mét vuông và phải mất đến 6 tháng để thực hiện.
Quá trình tạo ra chiếc biển quảng cáo này tốn rất nhiều công sức
Sự kết hợp giữa thiên nhiên và bản giao hưởng đã tạo nên một cảnh tượng mê hoặc, thu hút khán giả và nuôi dưỡng mối liên hệ sâu sắc hơn với thương hiệu. “Megh Santoor” đại diện cho một bước nhảy sáng tạo, cho phép người tiêu dùng tương tác với âm nhạc cổ điển theo cách mới mẻ và phấn khích.
Harshad Rajadhyaksha, giám đốc chiến lược tại Ogilvy Ấn Độ, cơ quan đứng sau chiến dịch đã chia sẻ rằng động lực để tạo nên tác phẩm này chính là việc tôn vinh di sản của thương hiệu và tạo ra cuộc trò chuyện tích cực.
Những thông tin thú vị về “Megh Santoor Billboard” được chia sẻ bởi Cannes Lions
Việc thực hiện biển quảng cáo không hề dễ dàng, bởi yếu tố đầu tiên là thời tiết thì vô cùng khó đoán, tiếp đó là cách sắp xếp các chi tiết để có thể tạo ra âm thanh có giai điệu cũng vô cùng phức tạp.
Kể về một kỷ niệm khi bắt tay thực thi, Kainaz Karmaka, giám đốc sáng tạo của Ogilvy chia sẻ: “Khi bảng quảng cáo đã hoàn thành xong xuôi, thế nhưng chúng tôi đợi mãi mà không thấy gió mùa sang, cả đội đã rất mong ngóng những cơn mưa. Và khi cơn mưa đầu tiên rơi xuống, chúng tôi đã rất hạnh phúc. Thật may khi những lời cầu nguyện đã được đáp ứng, và toàn bộ thành phố Vijayawada rất thích giai điệu của Megh Santoor Billboard”.
Shiva Krishnamurthy, giám đốc Brooke Bond Taj Mahal bày tỏ: “Bằng sự thấu hiểu nét đặc trưng trong văn hóa, đời sống địa phương kết hợp với biển quảng cáo ngoài trời tương tác nhằm đem đến hiệu quả truyền thông tốt nhất, thương hiệu đã khéo léo quảng bá và dễ dàng ghi dấu ấn trong mắt người dân nơi đây”.
“Megh Santoor Billboard” là nỗ lực mang đến niềm vui, sự tích cực cho mọi người và tôn vinh âm nhạc truyền thống của Ấn Độ
“Megh Santoor Billboard” là sự kết hợp giữa công nghệ, nghệ thuật và thiên nhiên, tất cả cộng hưởng với những cơn mưa gió mùa tạo nên một tác phẩm ngoài trời sắp đặt hết sức tuyệt vời. Billboard quảng cáo của Taj Mahal trở nên ấn tượng, nổi bật trong khung cảnh mưa âm u của Vijayawada.
Ý tưởng sáng tạo độc đáo này đã thành công được Guinness vinh danh là “Billboard tương tác với môi trường lớn nhất thế giới” (Largest Environmentally Interactive Billboard) vào tháng 10 năm 2023.
Guinness đã tôn vinh đây là chiếc biển quảng cáo tương tác với môi trường lớn nhất thế giới
“Chúng tôi tự hào khi được ghi danh trong Sách Kỷ lục Guinness. Vijayawada là một trong những ‘thành trì’ lớn nhất của Taj Mahal tại Ấn Độ, vì nơi đây tiêu thụ lượng lớn sản phẩm của chúng tôi hằng năm. Thưởng trà trong giai điệu Raag Megh Malhar khi cơn mưa rơi xuống và một trải nghiệm đáng nhớ, đây là cách chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến người tiêu dùng nơi đây. Và hơn thế nữa là sự tôn vinh văn hóa truyền thống, mời gọi mọi người trải nghiệm sự pha trộn phi thường giữa nghệ thuật và công nghệ” – Shiva Krishnamurthy xúc động chia sẻ thêm.
Những kết quả truyền thông ấn tượng của “Megh Santoor Billboard”
Chiến dịch đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng:
– “Megh Santoor Billboard” đã lan truyền vô cùng rộng rãi, video của chiến dịch thu hút hơn 300 nghìn lượt xem tự nhiên trong vòng một tháng và là một trong những video được lan truyền nhiều nhất trên WhatsApp ngay cả trong cơn sốt World Cup Cricket.
– Các tìm kiếm về chiến dịch và thương hiệu trên Google đã đạt đến mức đột phá, đồng thời lượng truy cập website thương hiệu tăng 5000%.
– Ít nhất 10 tờ báo lớn trên toàn quốc đã đưa tin về chiến dịch với giá trị PR đạt hơn 2,6 triệu đô la.
– Tạp chí Khoa học uy tín Neo Science Hub gọi đây là “Ngọn hải đăng của sự hội tụ về công nghệ và văn hóa”.
– Kỷ lục Thế giới Guinness đã trao tặng tấm biển quảng cáo này danh hiệu “Biển quảng cáo tương tác với môi trường lớn nhất”.
– Chiến dịch cũng giúp gia tăng tình yêu thương hiệu mạnh mẽ:
+5% trong “Thương hiệu đáng để trả nhiều tiền hơn”.
+3% trong “Chất lượng tốt hơn các thương hiệu khác”.
+5% trong “Thương hiệu trà có hương vị đậm đà”.
– Đồng thời gia tăng nhận thức về thương hiệu với tỉ lệ và tần suất thử nghiệm tăng +15%
Thu Nguyệt