Quảng cáo ngoài trời (OOH) không chỉ để dùng cho mục đích thương mại mà còn là kênh truyền thông đắc lực giúp các Tổ chức, Hiệp hội Nhân đạo truyền tải thông điệp đến công chúng một cách mạnh mẽ. Trong công cuộc chống lại bạo lực gia đình, bạo hành phụ nữ, trẻ em, có rất nhiều chiến dịch OOH đã được triển khai để lên án vấn nạn này.
Trong đó hình thức Interactive OOH (quảng cáo ngoài trời tương tác) được ưa chuộng hơn vì có thể vạch trần bản chất của bạo lực một cách rõ nét, đồng thời tác động mạnh đến khả năng tiếp nhận thông điệp của người xem.
Cách thức triển khai đơn giản thì có thể dụng biển quảng cáo “nhập vai” hoặc quảng cáo trên cửa xoay để người xem tham gia hành động. Ứng dụng công nghệ thông minh hơn thì có thể kể tới cách Woman’s Aid dùng bảng quảng cáo tích hợp AI để phát hiện ai là người đang nhìn lên thông điệp, hay thậm chí có thể chỉnh sửa được nội dung hiển thị như Childhood Domestic Violence…
Đây là cách mà quảng cáo ngoài trời lên án nạn bạo hành gia đình, phụ nữ, trẻ em
Dưới đây là 8 chiến dịch sử dụng OOH tương tác để truyền tải thông điệp gây sốc về bạo lực gia đình và kêu gọi mọi người chung tay cùng hành động.
1. Chiến dịch “Look At Me” của Woman’s Aid phát hiện người nhìn vào biển quảng cáo để “chữa lành” vết thương bị bạo hành
Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2015, tổ chức Woman’s Aid đã tung một chiến dịch quảng cáo ngoài trời về chủ đề bạo lực gia đình gây chấn động thế giới.
Women’s Aid đã treo những tấm biển quảng cáo kỹ thuật số (DOOH) khổng lồ với hình ảnh một người phụ nữ bị đánh thâm tím mặt mày ở những địa điểm đông người qua lại. Bên cạnh khuôn mặt người phụ nữ là dòng chữ “Nếu bạn nhìn thấy, bạn có thể thay đổi. Đừng nhắm mắt làm ngơ”.
Nếu mọi người không quan tâm tới biển quảng cáo, nó sẽ vẫn giữ nguyên hình ảnh như vậy. Nhưng nếu có người nhìn vào biển quảng cáo, vết thâm tím của người phụ nữ sẽ dần mờ đi. Càng nhiều người nhìn, khuôn mặt người phụ nữ càng lành lặn nhanh chóng.
Chiến dịch “Look At Me” truyền tải thông điệp “Đừng làm ngơ trước bạo lực gia đình” vô cùng ấn tượng
Bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt (AI) qua một chiếc camera treo phía trên, biển quảng cáo có thể nhận biết được những ai đang nhìn vào nó để tiếp nhận thông điệp.
Ngoài ra, bất cứ ai ở gần biển quảng cáo này đều sẽ nhận được tin nhắn từ Women’s Aid kêu gọi khuyên góp cho tổ chức này.
Sự kết hợp giữa hình ảnh, thông điệp và công nghệ đã giúp chiến dịch
Thông qua sự quan tâm và tương tác của mọi người, chiến dịch “Look At Me” truyền tải thông điệp “Đừng làm ngơ trước bạo lực gia đình”.
Với việc ứng dụng công nghệ thông minh, cách thức truyền tải gây ấn tượng mạnh, “Look At Me” là một trong những case study kinh điển khi nhắc đến quảng cáo ngoài trời tương tác.
Chiến dịch đạt hiệu quả truyền thông mạnh mẽ tại Vương quốc Anh và toàn cầu
>> Khám phá thêm: Các chiến dịch quảng cáo ngoài trời (OOH) nhân văn, ý nghĩa
2. Billboard tích hợp camera phát hiện chuyển động của mắt, Tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh bản chất của bạo lực gia đình
Để nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình, năm 2009, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã bắt tay với agency Jung von Matt để triển khai chiến dịch Programmatic DOOH (PDOOH) – quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số có lập trình tại Đức.
Mục đích của chiến dịch là để mọi người hiểu được rằng bạo lực gia đình luôn bị che giấu và chỉ diễn ra sau những cánh cửa đóng kín. Những lời truyền đạt suông sẽ không có đủ tác động, chính vì vậy Tổ chức đã nảy ra ý tưởng cho phép mọi người trực tiếp trải nghiệm bạo lực gia đình bị che khuất khỏi tầm nhìn như thế nào.
Chiến dịch PDOOH của Tổ chức Ân xá Quốc tế đã làm nổi bật bản chất của bạo hành gia đình
Chiến dịch đã tạo nên biển quảng cáo có thể phản ứng khi mọi người nhìn vào nó. Để làm được điều đó, một chiếc máy ảnh theo dõi chuyển động của mắt (eye tracking camera) đã được kết nối với bảng quảng cáo kỹ thuật số.
Bảng quảng cáo được cài đặt để hiển thị cảnh một người đàn ông đang đánh vợ, nhưng ngay khi ai đó nhìn thẳng thì sẽ tự động chuyển thành hình ảnh của cùng một cặp đôi có vẻ đang hạnh phúc.
Tổ chức đã lựa chọn các nhà chờ xe bus làm địa điểm diễn ra chiến dịch. Rất nhiều người đã tò mò và tương tác với biển quảng cáo trong vài phút, chúng để lại ấn tượng mạnh trong họ.
Sự tương tác real-time của chiến dịch khiến người xem ngạc nhiên và chú ý tới thông điệp được truyền tải
Chiến dịch quảng cáo nhà chờ xe bus tương tác này khiến mọi người hiểu được rằng bạo lực gia đình diễn ra không công khai mà nó âm thầm lặng lẽ dưới vỏ bọc của sự hạnh phúc, chính vì vậy mọi người càng phải quan sát kỹ, để ý tới cảm xúc, những vết thương… để nhận ra bạo lực gia đình và có những biện pháp để can thiện hay giúp đỡ.
Biển quảng cáo nhanh chóng được các tờ báo đưa tin, trong số đó có Tạp chí New York Times, điều này giúp thông điệp của chiến dịch được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
3. Biển quảng cáo “Only for Children” được cài đặt để hiển thị thông điệp khác nhau cho người lớn và trẻ em
ANAR Foundation – Quỹ hỗ trợ cho trẻ em bị bạo hành tại Tây Ban Nha đã triển khai chiến dịch OOH “Only for Children” với bảng quảng cáo sử dụng công nghệ in thấu kính để có thể hiển thị thông điệp khác nhau cho trẻ con và người lớn ngay cả khi cả hai nhìn vào cùng một lúc.
Với người lớn hoặc những ai cao hơn 1,35m, họ sẽ nhìn thấy trên Billboard là một đứa trẻ lành lặn, và phía trên là thông điệp: “Sometimes child abuse is only visible to the child suffering it” (tạm dịch: Có đôi khi chỉ những đứa trẻ bị ngược đãi mới nhìn thấy và cảm nhận rõ nỗi đau ấy).
Chỉ những em nhỏ có chiều cao trung bình dưới 1,35m mới nhìn thấy những vết thương thâm tím trên mặt đứa trẻ cùng với thông điệp ẩn phía bên dưới: “If somebody hurts you, phone us and we’ll help you” (tạm dịch: Nếu ai đó làm cháu tổn thương, hãy gọi cho chúng tôi và chúng tôi sẽ giúp cháu) kèm theo đường dây 116 111.
Chiến dịch “Only for Children” truyền tải một thông điệp bí mật dành cho những đứa trẻ bị bạo hành
Cái hay của chiến dịch này chính là việc gửi đi một “thông điệp bí mật” tới những đứa trẻ bị lạm dụng rằng luôn có sự giúp đỡ ở đó, đồng thời để người bạo hành hoàn toàn không hề hay biết điều này. Và cũng thông qua chiến dịch, ANAR Foundation đã lên án mạnh mẽ nạn bạo lực, ngược đãi trẻ em và kêu gọi quyên góp để chung tay giúp đỡ các nạn nhân.
Đây thực sự là một chiến dịch đặc biệt, sự chung tay của Truyền thông đã lan tỏa ý nghĩa của chiến dịch đến nhiều người
4. Sử dụng công nghệ QRad chỉnh sửa thông điệp ngay trên màn hình DOOH, chiến dịch “Change The Ending” kêu gọi mọi người chung tay chấm dứt bạo lực gia đình ở trẻ em
Childhood Domestic Violence (Hiệp hội Bạo lực Gia đình Trẻ em) được biết đến là một tổ chức phi lợi nhuận chống lại bạo lực gia đình, được thành lập vào năm 2007 nhằm giúp đỡ, chữ trị cho những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương.
Vào tháng 10/2022, Childhood Domestic Violence đã hợp tác với Outfront Studios để triển khai chiến dịch OOH mang tên “Change The Ending” (tạm dịch: Thay đổi kết cục) nhằm thúc đẩy mọi người hành động giúp đỡ trẻ em thoát khỏi cảnh bạo hành.
Cụ thể, biển quảng cáo kỹ thuật số tại các địa điểm công cộng hiển thị các nội dung được vẽ và viết bởi một đứa trẻ, rằng “Lẽ ra tôi nên dừng lại”, “Đó là lỗi của tôi”, “Tôi đã sống trong sợ hãi”, “Giấc mơ của tôi đã tan vỡ”…
Những người đi ngang qua đây có thể hành động giúp đỡ đứa trẻ bằng cách quét mã QRad và chia sẻ chúng lên trên mạng xã hội. Sau khi nhận được trợ giúp, biển quảng cáo sẽ thay đổi thông điệp thành “Khoan đã, đó không phải việc của tôi”, “Đó không phải là lỗi của tôi”, Tôi sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”, “Tất cả những giấc mơ của tôi đã thành sự thật”.
Người xem có thể thay đổi thông điệp theo nghĩa tích cực và phần nào “giải cứu” bi kịch của những đứa trẻ phải hứng chịu bạo hành
Thông thường, khi quét mã QR trên biển quảng cáo ngoài trời, thông tin sẽ hiển thị ở chế độ riêng tư thiết bị di động. Nhưng với công nghệ mới là QRad (Quick Response Ad), khi người dùng quét mã QR họ có thể chỉnh sửa được nội dung và chúng sẽ tự động chia sẻ công khai với cộng đồng.
Cùng với đó là một loạt các Billboard hiển thị thông điệp của chiến dịch được đặt trên đường phố thu hút sự chú ý của người đi đường.
Chiến dịch OOH “Change The Ending” đã tận dụng được sức mạnh của công nghệ tương tác để truyền tải thông điệp về sự tổn thương của những đứa trẻ bị bạo lực gia đình, đồng thời thôi thúc mọi người cùng hành động để chấm dứt vấn nạn nhức nhối này.
5. Sử dụng hiệu ứng bóng đen phản chiếu, biển quảng cáo “nhập vai” gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về bạo hành trẻ em
Billboard quảng cáo này xuất hiện đặt tại con phố đông người qua lại ở Seoul (Hàn Quốc). Thiết kế đặc biệt của nó cho phép tất cả mọi người cùng tham gia tương tác để trở thành người ngăn chặn các cuộc bạo hành.
Trên biển quảng cáo xuất hiện hình ảnh của hai bóng đen, một bên là nhân vật người cha đang giơ chai rượu để tấn công đứa trẻ, phía còn lại là đứa trẻ đang sợ hãi né tránh.
Khi có người đi qua và ghé lại gần biển quảng cáo, bóng của người đó sẽ đứng chứa giữa hai chiếc bóng đen kia, điều này có nghĩa rằng mọi người ai cũng có thể tham gia để ngăn chặn vấn nạn này.
Vai trò của người xem giống như người ngăn chặn cuộc bạo hành đang xảy ra
Thông điệp “Bạn có thể ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em” cũng chỉ xuất hiện khi có bóng người đứng gần, đây cũng chính là điều mà biển quảng cáo tương tác này muốn truyền tải, đồng thời phía bên dưới cũng có một dòng kêu gọi: “Gọi ngay 112 để trở thành anh hùng của những đứa trẻ”.
6. Ý tưởng quảng cáo trên cửa kính xoay truyền tải thông điệp về bạo lực gia đình – bạo hành trẻ em
Tổ chức chống bạo hành gia đình ở Bắc Kinh (Network For Combatting Domestic Violence in China) đã bắt tay với agency Grey Beijing. tạo ra một cảnh tượng kinh hoàng trên chiếc cửa xoay tại một trung tâm thương mại: một người đàn ông với bộ mặt hung dữ đang cầm trên tay chiếc thắt lưng và đang đuổi theo một đứa trẻ đi chân trần, cậu bé đang tỏ ra vô cùng sợ hãi.
Khi mọi người đứng trước cửa kính, vô tình họ đã chắn giữa người đàn ông và đứa trẻ, điều này góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình.
Trên cửa kính xoay hiển thị thông điệp: “Hãy chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Gọi ngay cảnh sát nếu bạn đã hoặc đang chức kiến hành vi này”.
Một chiến dịch tương tác thông minh với cửa kính xoay để kêu gọi chấm dứt bạo hành trẻ em
>> Xem thêm: Quảng cáo trên cửa xoay (Revolving Doors Advertising) và những ý tưởng OOH tương tác thú vị
7. Billboard của UNICEF Bulgaria lột trần bản chất của nạn bạo hành trẻ em
Tháng 7/2014, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF đã phát động một chiến dịch dài hạn tại Bulgaria nhằm nâng cao nhận thức của mọi người và hướng đến mục tiêu chấm dứt bạo lực đối với trẻ em.
Bạo lực gia đình nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng thường diễn ra trong bóng tối, đằng sau những cánh cửa đóng kín. Điều này là lí do vì sao nhiều đứa trẻ sợ hãi trở về nhà vào ban đêm vì chúng phải đối mặt với bạo lực. Vấn nạn này vẫn luôn hiện hữu ở đó nhưng mấy ai nhận ra.
Khi ánh đèn chiếu sáng Billboard cũng là lúc ý thông điệp được bày tỏ một cách mạnh mẽ
Để làm sáng tỏ vấn đề theo đúng nghĩa đen, bảng quảng cáo sử dụng hình ảnh một đứa trẻ đang thu mình trong góc và lắp thêm một mô hình tí hon ở ngay vị trí đèn chiếu sáng.
Ban ngày người ta sẽ chỉ nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ đang thu mình trong góc, nhưng ban đêm khi đèn đường bật lên, người ta có thể nhìn thấy một bóng đen đang giơ tay định đánh đứa trẻ.
Chiến dịch đã thật sự “làm cho cái vô hình có thể nhìn thấy được” – Đây cũng chính là thông điệp mà UNICEF muốn gửi gắm đến mọi người, đồng thời thôi thúc chúng ta cùng hành động để chấm dứt vấn nạn gây nhức nhối này.
8. Chiến dịch OOH “Fear Windows” nhấn mạnh rằng “Bạo lực gia đình còn đáng sợ hơn cả Halloween”
Halloween là dịp mọi người trang trí nhà cửa để gây kinh hãi cho những người qua đường, thế nhưng đối với những nạn nhân bị bạo lực gia đình thì chẳng cần tới Halloween, những nỗi sợ luôn bủa vây họ từng ngày từng giờ.
La Maison Grise – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Quebec (Canada) chuyên cung cấp nơi trú ẩn cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành đã triển khai chiến dịch OOH “Fear Windows” (tạm dịch: Nỗi kinh hoàng sau những cánh cửa sổ) nhân dịp Halloween để lên án nạn bạo lực gia đình cũng như kêu gọi gây quỹ ủng hộ.
Người ta nghĩ rằng Halloween đáng sợ, thế nhưng bạo lực gia đình còn kinh sợ hơn gấp nhiều lần
Tổ chức đã trang trí cảnh bạo lực gia đình lên cửa sổ của các ngôi nhà trên khắp thành phố Montreal (Canada). Mỗi một ô cửa sổ cho thấy cảnh một người đang chỉ trỏ, la hét, thậm chí là ra tay tấn công, đánh đập người còn người lại.
Khi tiến lại gần, mọi người sẽ nhìn thấy thông điệp “Aidez-nous à arrêter l’horreur” (tạm dịch: Hãy giúp chúng tôi ngăn chặn nỗi kinh hoàng này) và tên của tổ chức kèm theo cách thức quyên góp.
Cách thức triển khai đơn giản nhưng thông điệp chiến dịch được truyền tải vô cùng mạnh mẽ
Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, vấn nạn bạo lực gia đình ở Canada ngày càng đáng báo động, nhất là 2 năm diễn ra Covid, số nạn nhân gia tăng và chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.
“Với nhiều người, nếu Halloween là đáng sợ một thì nạo bạo lực gia đình đằng sau những cánh cửa đóng kín còn kinh khủng hơn gấp trăm lần. Bằng cách kết hợp cảnh bạo lực gia đình này với phong cách trang trí Halloween, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của công chúng và làm sáng tỏ những nỗi kinh hoàng ấy.” – Người đứng đầu tổ chức chia sẻ.
>> Xem thêm: Các chiến dịch OOH ấn tượng trong mùa Halloween
Thu Nguyệt (Tổng hợp)