CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

Giống như rất nhiều người chủ doanh nghiệp khác, tôi luôn vận động không ngừng để tìm ra những cơ hội đầu tư, phát triển mới. Và đương nhiên, Crypto là một lĩnh vực làm mưa làm gió cả năm 2021 nên khi đó tôi không thể đứng ngoài. Tròn 1 năm kể từ những thất bại thảm hại trong lĩnh vực này chỉ vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là tâm lý Fomo, ngồi bên cốc trà ít đá tôi hồi tưởng và viết lại về những đau thương này.

1. Tôi đến với Crypto như thế nào?

Sau thất bại thảm hại trong thị trường chứng khoán với những cú sập không ai đỡ nổi của toàn thị trường khi Covid ập tới, tôi biết đến Crypto.

Đó là lúc các doanh nghiệp phải đóng cửa làm việc tại nhà vì Covid thì các dự án Crypto mọc lên như nấm.

Là một người chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời (một trong những lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bênh), công ty tôi cũng ở tình trạng tương tự, nên tôi không thể ngồi im mà loay hoay mọi cách để tìm cơ hội kiếm tiền, xoay sở cho công ty và cuộc sống.

Một sáng buồn tẻ như bao buổi sáng khác, từ một nhóm chat của hội Marcom tôi biết tới dự án X khá đình đám. Mặc dù chưa biết gì về Ctypto cả nhưng tôi đã dành thời gian cả tuần để tìm hiểu, học cách tạo ví, cách mua coin và nạp, chuyển tiền.

Chẳng cần ai chỉ, sau đúng một tuần tôi đã thành thạo trong việc tạo ví, cài đặt ví và mua coin rồi chuyển tiền đi để mua “Private Sale” dự án (mua khi dự án mới thành hình, ở giai đoạn gọi vốn ban đầu).

Từ đấy, tôi biết tới Crypto và trở thành một nhà đầu tư Crypto rất “oách xà lách” như thế.

CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

>> Đọc thêm: CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã nghiện chứng khoán như thế nào?”

2. Vì sao tôi dám mua các dự án Private Sale khi chưa am hiểu về lĩnh vực này cũng như các dự án?

Câu trả lời là vì niềm tin. Niềm tin vào các dự án cũng như tiềm năng của nó bởi các nhà sáng lập và đội ngũ công nghệ tham gia dự án. Họ hầu hết là những tên tuổi lớn, uy tín (có thể uy tín trong các lĩnh vực khác) và miếng bánh vẽ quá hời trong tương lai.

Tất cả là bởi lòng tham và kỳ vọng vào một tương lai triệu đô nhanh chóng.

Khi ấy, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh em trong hội nhóm đều điên cuồng đi “săn” các dự án Private Sale, thậm chí còn tìm mọi cách để xin suất mua các dự án này.

CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

>> Đọc thêm: CEO Unique OOH: “Định vị dẫn lối thành công”

3. Vậy kết quả khi tôi mua những dự án đó như thế nào?

Có dự án thắng lớn x 10 số tiền đầu tư, có dự án thì mất trắng, có dự án thì x2, x3, x4 khi mà cả thị trường xôn xao rồi tất cả mọi người cùng lao vào thì việc các dự án đầu tư được xx cũng là điều dễ hiểu.

Sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu về “Trade Coin”, bắt đầu hoạt động Trading mỗi ngày bằng việc mua đi bán lại. Thị trường Crypto nó khốc liệt hơn thị trường chứng khoán rất nhiều lần bởi biên độ tăng giảm không giới hạn. Đặc biệt là giờ hoạt động của nó là 24/7 nên vô cùng khủng khiếp, khiến các trader phải thức trắng đêm để rồi hôm sau phờ phạc hết cả người.

Đương nhiên, rất khó để giành chiến thắng khi là một Trader bởi thị trường này không có căn cứ để phân tích hay phân tích kỹ thuật cũng chỉ đúng một phần nào đó. Còn lại nó chạy bằng tin tức, bằng Fomo và bằng sự thao túng của một nhóm “Cá voi” nào đó.

CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

>> Đọc thêm: CEO Phạm Ngọc Linh chia sẻ về câu chuyện “chọn nghề”

4. Tôi đã bị Fomo như thế nào?

Tôi đã bị Fomo (hội chứng sợ bỏ lỡ) một cách không thể kiểm soát nổi bản thân giống như rất nhiều tay mới khác khi tham gia thị trường này. Hãy thử nghĩ xem, ở chỗ nào bạn cũng thấy người ta nói tới dự án đó. Ở chỗ nào bạn cũng thấy người ta khoe đã mua nó và thấy họ nói về tiềm năng tăng giá, thậm chí có thể giúp bạn đổi đời từ đó thì bạn có bị lung lay không?

Tôi nghĩ là có.

Và đó chính là hiện tượng Fomo trong thị trường Crypto, tôi là một nạn nhân của hiện tượng này và cũng chính bởi Fomo mà tôi bị thất bại thảm hại trong lĩnh vực này.

CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

5. Tôi đã thất bại như thế nào?

Câu chuyện bắt đầu từ việc một CEO chuỗi cửa hàng công nghệ khá lớn huy động vốn trong hội nhóm toàn anh em CEO đầu tư Crypto với lãi suất lên tới 10% mỗi tháng. Tôi tò mò tìm hiểu xem tại sao anh ấy dám trả lãi suất như vậy và cách thức anh ấy “cày NFT” như thế nào thì sau đó tôi biết đến hình thức mới này trong lĩnh vực Crypto.

Tức là nhà đầu tư sẽ bỏ tiền mua Token (một dạng Coin) để sau đó mua lại các NFT (nhân vật trong dự án) để “cày” mỗi ngày.

Ví dụ khi đầu tư game đua xe thì bạn cần mua NFT là xe, sau đó mỗi ngày sẽ mở trình duyệt của game ra và cho xe chạy. Xe cứ chạy là thu được lại Token, Token này lại bán được tiền và sau khoảng 30 ngày thì bạn thu hồi được vốn. Cứ như thế, những người tham gia vòng đầu thì hầu hết kiếm lời rất lớn vì sau 1 tháng họ đã thu hồi vốn rồi, khoảng thời gian sau đó thì Token họ kiếm được chính là lãi.

Nhưng lòng tham con người là vô đáy, thường thấy thu hồi vốn ngon lành như vậy họ sẽ tiếp tục bỏ thêm tiền vào mua thêm NFT để có thể kiếm nhiều hơn. Rồi cuối cùng, khi nhà tạo lập đã kiếm đủ thì họ cho dự án sập hoặc bỏ trốn.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về dự án bỏ trốn nổi đình đám là CryptoBike, CryproCity.

Tôi chính là nạn nhân của CryptoCity khi đầu tư dàn NFT siêu khủng, mất hết tất cả tiền dành dụm của hai vợ chồng, mất nguyên mảnh đất nhỏ duy nhất hai đứa mua được ở Đông Anh sau bao năm làm việc vất vả.

Còn rất nhiều dự án đổ bể khác nữa, hay những đêm “cháy khét” tài khoản Futures mà tôi kể ra ở đây có lẽ anh chị em đọc đến ngày mai không hết, những câu chuyện buồn trong lĩnh vực Crypto.

CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

>> Đọc thêm: CEO Phạm Ngọc Linh: Kỹ năng Sales phân tích và đánh giá tiềm năng khách hàng

6. Bài học tôi nhận được là gì?

Rất nhiều bài học lớn mà đây là một số bài học lớn nhất tôi nhận được:

– Muốn giàu thì phải giàu chậm, giàu nhanh là cái giàu không bền vững. Để trở nên giàu có thì phải chăm chỉ lao động, không ngừng nỗ lực mỗi ngày chứ không trông chờ vào các kèo đầu tư may rủi mà mình không thể chủ động để giành phần thắng.

– Muốn giành chiến thắng trong lĩnh vực đầu tư tài chính thì bắt buộc cần có một cái đầu lạnh cùng kiến thức chuyên môn chuyên sâu, học hành nghiêm túc và bài bản.

– Tuyệt đối không để bản thân bị Fomo và không bao giờ được phép ra quyết định đầu tư bằng trái tim. Đầu tư phải bằng trí óc, phân tích và bằng lý trí.

– Đừng bao giờ hy vọng trở thành triệu phú nhờ vào các kèo may rủi, nhờ tiền trên trời rơi xuống mà phải nỗ lực để tự tay mình làm nên.

– Đừng đặt niềm tin vào bất cứ ai hay bất cứ cơ hội kiếm tiền dễ dàng nào cả. Luôn nghi ngờ, phân tích thật kỹ trước khi ra quyết định.

– Không bao giờ mạo hiểm “all in” vào bất cứ cơ hội đầu tư nào, chỉ nên đặt cược tối đa 20% số tiền mình có vào bất cứ “kèo” nào.

– Luôn tham vấn các chuyên gia hay những người am hiểu liên quan tới cơ hội đó trước khi đầu tư.

– Luôn biết ơn vợ, người đồng lòng và luôn động viên mình nỗ lực cố gắng, người không lèm bèm khi mình thất bại.

– Làm việc chăm chỉ, tập trung vào lĩnh vực mình đang làm việc và có thế mạnh, ắt gặt hái kết quả tốt mà không phải mệt mỏi, mất ngủ hàng đêm.

Còn rất nhiều bài học khác nữa nhưng dù sao cũng cảm ơn Crypto đã “vả” cho tôi tỉnh ngủ để quay trở lại toàn tâm, toàn ý với công việc mình đang làm.

CEO Phạm Ngọc Linh: “Tôi đã thất bại trong thị trường Crypto như thế nào?”

Đúng như vợ tôi động viên: “Còn người còn của anh ạ, anh thất bại như vậy là quá mừng vì anh còn rất trẻ để có thể nỗ lực cố gắng. Đó là bài học lớn không chỉ với anh mà với cả thị trường đầu tư tài chính. Nó vả sớm cho như thế là quá may”.

Đúng rồi, chúng ta còn quá may khi còn ngồi được ở đây để chia sẻ cùng nhau những thất bại thảm khốc này trong quá khứ.

CEO Phạm Ngọc Linh
Sáng lập và điều hành Unique OOH

Viết bình luận

error: