Vừa qua, tổ chức môi trường lớn nhất nước Ý – Legambiente đã thực hiện chiến dịch quảng cáo ngoài trời (OOH) mang tên “Apnea Against Pollution” (nghĩa là “Ngưng thở để chống ô nhiễm”) với thông điệp mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng ô nhiễm báo động ở đất nước họ.
Hình ảnh người đàn ông ngồi trong khối lập phương khép kín và trong suốt ngay trên đường phố đã trở thành tâm điểm bàn tán của những người đi ngang qua đó. Được biết, bên trong khối vuông đó chứa lượng bụi mịn vô cùng cao (118 µg/mc3 PM2.5), cao hơn 24 lần so với giới hạn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.
Chiến dịch OOH “Apnea Against Pollution” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng ô nhiễm báo động đỏ ở Ý
47.000 người Ý thiệt mạng mỗi năm do các căn bệnh gây ra bởi ô nhiễm môi trường, 69% thành phố có chỉ số bụi mịn PM10 vượt mức; 84% đối với bụi mịn PM2.5 và 50% đối với NO2… Tất cả những con số này đã nói lên thực trạng ô nhiễm nhức nhối ở “đất nước hình chiếc ủng” này.
Ý đang là một trong những quốc gia có chất lượng không khí cực kỳ tệ
Ngoài ra, theo báo cáo về tình hình ô nhiễm tại Ý do Legambiente khảo sát thì có tới 18 thành phố có mật độ bụi mịn PM10 vượt quá giới hạn hằng ngày. Trong đó, thung lũng Po (nằm ở phía Bắc nước Ý) được ghi nhận là một trong những khu vực bị ô nhiễm nhất châu Âu.
Những con số “rợn người” trên đã thôi thúc chính phủ và các tổ chức môi trường tại Ý phải đưa ra các hoạt động để thay đổi nhận thức của người dân và kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống.
Vì nếu không giải quyết thì chính bản thân họ sẽ hít phải những chất độc hại đó và sớm muộn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Chẳng lẽ chúng ta phải dừng việc hít thở hay sao?
Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm môi trường đáng quan ngại này của nước Ý?
Và thế là chiến dịch quảng cáo OOH mang tên “Apnea Against Pollution” (Tạm dịch: Ngưng thở để chống ô nhiễm) được ra đời với ý tưởng cực táo bạo như vậy. Để một người nhịn thở trong không gian cực kỳ ô nhiễm và xem thử họ có thể chịu đựng trong bao lâu, đó chính là điều mà Legambiente sẽ làm. Tổ chức này đã kết hợp với Mike Maric, người giữ kỷ lục về lặn tự do thế giới, hiện là bác sĩ y khoa và huấn luyện viên thể thao để thực hiện thử thách “nguy hiểm” này.
Maric đã phải “ngưng thở” vì chất lượng không khí xung quanh anh rất nguy hiểm
>> Tìm hiểu thêm: Hong’s Kitchen với Billboard “Soup-er Hero” giúp làm giảm ô nhiễm không khí ở Ấn Độ
Maric ngồi trong một khối lập phương khép kín và trong suốt, kẹp chặt mũi lại để không thở được. Tuy nhiên, bên trong lại chứa lượng bụi mịn vô cùng cao (118 µg/mc3 PM2.5), cao hơn 24 lần so với giới hạn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Lượng bụi này khiến không gian bên trong trở nên mù mịt và trông rất “khó thở”.
Maric điềm tĩnh ngồi bên trong trước sự chứng kiến của rất nhiều người đi đường. Thoạt đầu, họ thán phục trước khả năng của người đàn ông này, tuy nhiên, tất cả đều trở nên bất ngờ khi biết lượng khói bụi bên trong khối lập phương kia chính là không khí mà mình đang hít thở mỗi ngày.
Liệu việc “ngưng thở” có phải là giải pháp cuối cùng để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Ý
>> Xem thêm: “Megh Santoor Billboard”: Biển quảng cáo tương tác với môi trường lớn nhất thế giới
Mọi người đều hồi hộp theo dõi và thi nhau đoán xem liệu Maric có thể ngồi được đến bao lâu. Cuối cùng, Maric đã kết thúc thử thách với mốc thời gian kỷ lục là 6 phút 23 giây. Anh nhận được rất nhiều lời tán dương của những người đi đường. Nhưng điều này cũng khiến nhiều người băn khoăn rằng một người chuyên nghiệp Maric có thể nín thở hơn 6 phút, nhưng chúng ta thì sao chứ?
Maric có thể nhịn thở trong 6 phút 23 giây, nhưng những người bình thường thì sao?
Họ chia sẻ rằng: “Ngưng việc hít thở để không hít phải khói bụi sao? Tôi không thể làm được”. Những chàng thanh niên trẻ thẳng thắn chia sẻ: “Chúng ta nên có một giải pháp nào đó để cải thiện chất lượng không khí. Chẳng phải việc được hít thở chính là quyền cơ bản chúng ta có sao?”. Rất nhiều người đã bày tỏ ý kiến của mình sau khi biết được sự thật đáng sợ bên trong lồng kính kia.
Chiến dịch OOH nhận được sự quan tâm của rất nhiều người trẻ ở Ý
>> Khám phá thêm: Billboard “rụng tóc” của Pantene nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí
Thử thách này cũng được thực hiện ở một địa điểm khác ở Ý, và tất nhiên, những người tham gia đều được ban tổ chức kiểm tra thể trạng để đảm bảo phù hợp với thử thách. Lần này, mức độ ô nhiễm “chỉ còn” 36 µg/mc3 PM2.5, thấp hơn một chút so với chiếc hộp của Maric.
“Apnea Against Pollution” cũng được triển khai ở một số thành phố khác ở Ý
>> Khám phá thêm: Quảng cáo ngoài trời (OOH) với nỗ lực bảo vệ môi trường
Chiến dịch OOH đầy táo bạo của Legambiente đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Ý: “Để chống ô nhiễm, chúng ta không thể ngưng thở mà phải tìm giải pháp để bầu không khí trở nên an toàn trở lại”.
#ApneaAgainstPollution đã thành công “phơi bày” thực trạng ô nhiễm trầm trọng ở Ý. Mặc dù chưa đưa ra các giải pháp ngay tức khắc nhưng chiến dịch đã khiến người dân ý thức rõ hơn về mối nguy hại đối với sức khỏe và cuộc sống của chính mình. Và một khi đã nhận thức rõ được vấn đề thì họ sẽ tự khắc thay đổi để cải thiện chất lượng môi trường sống của mình.
Xuân Thi (Tổng hợp)