Dù xu hướng Marketing hiện đại ngày càng đề cao sự hiện đại và mới mẻ, nhưng yếu tố con người với những cảm xúc và giá trị nhân văn vẫn đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch. Bởi Marketing bản chất vẫn là hướng đến con người – đối tượng mang trong mình những mong muốn, nhu cầu và hy vọng cần được thấu hiểu và đáp ứng.
Đó chính là lý do “Emotional Marketing” – Tiếp thị Cảm xúc đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp. Cùng Unique OOH tìm hiểu về Marketing Cảm xúc cũng như sức mạnh của loại hình tiếp thị này trong việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng và tăng trưởng thương hiệu.
Emotional Marketing – Tiếp thị Cảm xúc chạm tới trái tim khách hàng
1. Emotional Marketing (Tiếp thị Cảm xúc) là gì?
Emotional Marketing là một chiến lược tiếp thị tập trung vào việc khơi gợi cảm xúc của khách hàng để tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với thương hiệu. Các chiến lược truyền thông, quảng cáo và trải nghiệm khách hàng được xây dựng dựa trên việc khai thác và kết nối với những cảm xúc cơ bản của con người như niềm vui, sự lo lắng, sợ hãi, đồng cảm, hạnh phúc, hay thậm chí là cảm giác tội lỗi.
Thay vì chỉ tập trung vào giới thiệu, quảng bá tính năng và lợi ích sản phẩm, Tiếp thị cảm xúc sử dụng những câu chuyện, hình ảnh, âm nhạc và thông điệp truyền tải chạm đúng insight của người xem, khéo léo lồng ghép tuyên ngôn thương hiệu để đánh thức cảm xúc của khách hàng, khiến họ ghi nhớ thương hiệu và có xu hướng mua hàng cao hơn.
Emotional Marketing sử dụng yếu tố cảm xúc của khách hàng để tạo ra sự kết nối với thương hiệu
Lấy một ví dụ về Tiếp thị Cảm xúc thành công, đó là Coca-Cola đã thành công trong việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu gắn liền với niềm vui và sự chia sẻ. Các chiến dịch của Coca-Cola luôn làm nổi bật cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, và sự gắn kết giữa con người với nhau thông qua những chai nước ngọt.
Coca-Cola luôn mang đến những cảm xúc tích cực, vui vẻ, hạnh phúc cho người tiêu dùng
(Chiến dịch truyền thông Tết “Real Magic” của Coca-Cola tại các nước Châu Á)
2. Tại sao Marketing Cảm xúc lại quan trọng trong doanh nghiệp?
Giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay cùng với sự bùng nổ về thông tin khiến việc quảng bá về tính năng và lợi ích đang dần trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cảm xúc đã trở thành một trong những “điểm neo” giữ chân khách hàng lại với thương hiệu.
Cảm xúc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định hành vi của con người. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 90% quyết định mua hàng của con người đều dựa trên cảm xúc, và chỉ 10% còn lại là lý trí. Khi một thương hiệu có thể đánh vào đúng cảm xúc của khách hàng, họ sẽ tạo ra được sự kết nối sâu sắc, khiến khách hàng không chỉ chọn mua sản phẩm mà còn trung thành với thương hiệu lâu dài.
90% quyết định mua hàng được đến từ cảm xúc, cho thấy việc tác động vào cảm xúc vô cùng quan trọng
(Subway ra mắt bảng quảng cáo 3D tương tác cực sáng tạo tại London)
3. Cách thức Emotional Marketing tác động đến cảm xúc của khách hàng
3.1. Sử dụng sức mạnh của những câu chuyện (Storytelling)
Con người là sinh vật ham học hỏi và ghi nhớ những câu chuyện. Tiếp thị cảm xúc tận dụng điều này bằng cách kể những câu chuyện truyền cảm hứng, hài hước hoặc cảm động về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ. Những câu chuyện này có thể khơi gợi nhiều cảm xúc khác nhau ở khách hàng, từ niềm vui, sự đồng cảm đến sự ngưỡng mộ. Khi khách hàng cảm thấy kết nối với câu chuyện, họ có nhiều khả năng ghi nhớ thương hiệu và có xu hướng mua hàng cao hơn.
TVC quảng cáo của Thái Lan lấy đi nước mắt của hàng triệu người
3.2. Tận dụng sức mạnh của hình ảnh và âm nhạc (Visual Marketing và Music Marketing)
Hình ảnh và âm nhạc là hai yếu tố có khả năng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của con người nhất. Khi chiến dịch Marketing sử dụng hình ảnh đẹp mắt, âm nhạc lôi cuốn sẽ có khả năng cao trong việc thu hút và tạo ra cảm xúc tích cực cho khách hàng.
Ví dụ, một quảng cáo sử dụng hình ảnh bữa cơm gia đình vui vẻ có thể khơi gợi cảm xúc hạnh phúc và niềm vui cho người xem. Một quảng cáo khác sử dụng âm nhạc sôi động, bắt tai sẽ mang đến năng lượng tươi mới và giải tỏa căng thẳng. Khi khách hàng liên kết những cảm xúc tích cực này với thương hiệu, họ có nhiều khả năng có thiện cảm với thương hiệu hơn.
Sử dụng hình ảnh và âm nhạc là lựa chọn hàng đầu để quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng
3.3. Tạo sự bất ngờ, kích thích tò mò và quan tâm
Những yếu tố bất ngờ, hài hước hoặc sáng tạo có thể kích thích cảm giác ngạc nhiên và vui vẻ, giúp tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khách hàng. Các chiến dịch quảng cáo gây cười, hoặc làm người xem cảm thấy “wow”, sẽ tạo ra một cảm giác tích cực lâu dài.
Một chiến lược khác là tạo ra cảm giác tò mò, khơi gợi sự quan tâm của khách hàng qua những thông điệp không hoàn toàn rõ ràng nhưng đầy hứa hẹn. Điều này có thể tạo ra sự kỳ vọng và hứng thú với sản phẩm hoặc dịch vụ mà thương hiệu cung cấp.
Ngoài ra còn có thể khơi gợi cảm giác khẩn cấp thông qua các chương trình giảm giá giới hạn, ưu đãi có thời hạn, hoặc thông báo về số lượng sản phẩm hạn chế. Điều này kích thích hành vi mua sắm ngay lập tức, bởi vì khách hàng sợ bỏ lỡ cơ hội.
Netflix quảng bá phim kinh dị bằng một chiến dịch OOH tương tác gây bất ngờ cho người đi đường
3.4. Tạo sự kết nối xã hội
Các chiến dịch tiếp thị có thể thúc đẩy sự tham gia cộng đồng và kết nối giữa những khách hàng có cùng chí hướng. Đây là lý do tại sao nhiều thương hiệu tạo ra các cộng đồng, chương trình trung thành, hoặc các chiến dịch từ thiện để kích thích cảm giác “thuộc về” và giúp khách hàng cảm thấy rằng họ là một phần của một điều gì đó lớn lao hơn.
Ví dụ như Apple sử dụng chiến lược tiếp thị cảm xúc cực kỳ hiệu quả để xây dựng một cộng đồng người dùng trung thành. Các quảng cáo của Apple không chỉ nói về tính năng sản phẩm, mà còn tạo ra một thông điệp về phong cách sống, sự đổi mới và cái “tôi” cá nhân của người sử dụng. Người dùng Apple cảm thấy họ không chỉ mua một chiếc điện thoại hay máy tính, mà là một phần của một phong cách sống cao cấp và hiện đại.
Apple là cái tên xuất sắc trong làng Emotional Marketing
(Billboard quảng cáo hình chiếc túi mua sắm khổng lồ của Apple dịp Giáng sinh)
3.5. Sử dụng yếu tố tương tác để khơi gợi cảm xúc cho khách hàng (Interactive)
Ngoài ra, Tiếp thị cảm xúc còn có thể tác động đến cảm xúc của khách hàng thông qua thông điệp truyền tải, khuyến khích sự tương tác và tạo ra trải nghiệm cho khách hàng. Bằng cách kết hợp những yếu tố này một cách hiệu quả, doanh nghiệp có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài và bền chặt với khách hàng, từ đó thúc đẩy nhận diện và tình yêu đối với thương hiệu.
“Happiness Machine” của Coca-Cola mang đến niềm vui cho mọi người thông qua Billboard tương tác chứa những món quà bất ngờ
4. Lý do Marketing cảm xúc có thể mang lại hiệu quả cao
– Dễ nhớ, khó quên
Mọi người thường nhớ về một quảng cáo hoặc câu chuyện tốt hơn nếu nó liên quan đến trải nghiệm của chính họ. Khi khách hàng cảm thấy bị lôi cuốn bởi thương hiệu ở mức độ cảm xúc, họ có tiềm năng trở thành khách hàng và ghi nhớ thương hiệu nhiều hơn trong tương lai.
– Tạo sự kết nối cảm xúc
Cảm xúc đồng cảm giúp thương hiệu không chỉ “bán hàng” mà còn xây dựng một mối quan hệ chân thành với khách hàng. Khi thương hiệu hiểu và cảm nhận được cảm xúc của khách hàng, mối quan hệ này sẽ không chỉ là giao dịch mà còn là một sự kết nối mang tính cảm xúc sâu sắc.
Emotional Marketing không chỉ tác động mạnh mẽ với xúc cảm của khách hàng mà còn thúc đẩy quyết định chi tiền của họ
(McDonald’s với chiến dịch OOH tương tác thú vị “Scream For Ice Cream”)
– Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu
Khách hàng có xu hướng gắn bó lâu dài với những thương hiệu mà họ có cảm xúc gắn kết. Tiếp thị cảm xúc giúp doanh nghiệp xây dựng lòng trung thành với thương hiệu bằng cách tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng, khiến họ cảm thấy được thấu hiểu, quan tâm và trân trọng. Khi khách hàng trung thành với thương hiệu, họ sẽ mua hàng thường xuyên hơn, giới thiệu thương hiệu cho bạn bè và gia đình, và ít nhạy cảm hơn với giá cả của đối thủ cạnh tranh.
– Thúc đẩy doanh số bán hàng
Việc đưa các yếu tố cảm xúc vào các chiến dịch Emotional Marketing có thể giúp tăng độ lan tỏa của chiến dịch, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng. Theo nghiên cứu của Nielsen, các chiến dịch quảng cáo tiếp thị cảm xúc thường có sự tăng trưởng doanh số bán hàng cao hơn 23% so với các loại quảng cáo khác.
5. Những yếu tố cảm xúc có thể khai thác trong Emotional Marketing
5.1. Cảm xúc tích cực
– Vui vẻ, hạnh phúc
Con người thường có xu hướng tiếp nhận những điều tích cực và vui vẻ cao hơn. Tiếp thị cảm xúc có thể sử dụng những câu chuyện hài hước, hình ảnh rực rỡ, âm nhạc vui tươi để khơi gợi cảm xúc hạnh phúc, tạo ra bầu không khí tích cực cho khách hàng. Ví dụ, quảng cáo sử dụng hình ảnh trẻ em vui đùa, những gia đình hạnh phúc hoặc những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống có thể mang lại cho khách hàng cảm giác thư giãn, thoải mái và thiện cảm với thương hiệu.
Cảm xúc vui tươi, hạnh phúc là chất liệu được nhiều nhãn hàng sử dụng trong chiến lược tiếp thị của mình
– Truyền cảm hứng
Một thông điệp truyền cảm hứng, khích lệ quyết tâm chinh phục ước mơ hay là niềm tự hào dân tộc sẽ khiến con người cảm thấy như có sự đồng hành. Marketing cảm xúc sử dụng yếu tố truyền cảm hứng để tạo dựng hình ảnh thương hiệu tích cực, tăng tình cảm giữa khách hàng và thương hiệu.
Nike là thương hiệu nổi tiếng với các chiến dịch truyền cảm hứng tinh thần thể thao vượt mọi giới hạn
5.2. Cảm xúc tiêu cực
– Buồn bã
Cảm xúc buồn bã có thể khơi gợi lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và thôi thúc con người hành động để giúp đỡ người khác. Emotional Marketing sử dụng những câu chuyện xúc động về những hoàn cảnh khó khăn, mảng tối của xã hội hoặc những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống để truyền tải thông điệp ý nghĩa, kêu gọi khách hàng chung tay góp sức tạo ra những thay đổi tích cực.
Spark và content video khơi gợi lòng trắc ẩn khiến người xem không khỏi xúc động
– Tức giận
Cảm xúc tức giận có thể thúc đẩy hành động mạnh mẽ. Tiếp thị cảm xúc sử dụng những thông điệp lên án những vấn đề sai trái, những hành vi bất công hoặc những vấn đề tồn đọng trong xã hội để khơi gợi sự tức giận chính đáng của khách hàng, khuyến khích họ lên tiếng và hành động để thay đổi. Nhưng nếu lạm dụng hoặc “làm quá” yếu tố này sẽ mang lại tác động tiêu cực hơn là tích cực. Do đó, hãy thông minh khi lồng ghép yếu tố cảm xúc này vào chiến dịch tiếp thị của mình.
Quảng cáo của Save The Children đã nhắc nhở chúng ta về hậu quả của cuộc khủng hoảng tại Syria đối với trẻ em, chúng ta bị thức tỉnh bởi nỗi buồn lẫn sự giận dữ.
– Sợ hãi
Emotional Marketing sử dụng những thông điệp cảnh báo về hậu quả tiêu cực của một vấn đề xã hội hay việc không sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc những rủi ro trong cuộc sống để khơi gợi cảm giác sợ hãi và khuyến khích khách hàng hành động để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Một quảng cáo kem chống nắng cảnh báo người dùng về nguy cơ ung thư da do tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời mà không có sự bảo vệ.
5.3. Cảm xúc đồng cảm (Empathy)
Cảm xúc đồng cảm (Empathy) trong Emotional Marketing là một trong những công cụ mạnh mẽ giúp thương hiệu tạo sự kết nối sâu sắc với khách hàng. Khi thương hiệu có khả năng hiểu, đồng cảm với những cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của khách hàng, điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn tạo ra một mối quan hệ bền chặt, mang tính nhân văn.
Từ đó tạo ra những chiến dịch quảng bá chạm vào đúng “nỗi đau” của người xem, khiến họ cảm thấy có sự đồng cảm và liên kết với thông điệp mà thương hiệu truyền tải và sẵn sàng chia sẻ, lan tỏa chúng tới các kênh truyền thông mạng xã hội.
Generali mang đến sự đồng cảm cho người xem khi nhìn thấy chính mình ở trong nhân vật
5.4. Cảm giác thuộc về (Sense of Belonging)
Trong Emotional Marketing, cảm giác thuộc về (Sense of Belonging) là một yếu tố vô cùng mạnh mẽ, giúp kết nối thương hiệu với khách hàng ở một mức độ sâu sắc hơn. Cảm giác này tạo ra một mối quan hệ gắn kết, nơi người tiêu dùng cảm thấy như một phần của một cộng đồng, gia đình, hoặc nhóm có cùng giá trị và mục tiêu.
Ví dụ như Nike tạo ra cảm giác thuộc về thông qua các chiến dịch truyền thông truyền cảm hứng, khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động thể thao và thử thách bản thân. Các chiến dịch truyền thông của hãng không chỉ bán giày mà còn khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào một cộng đồng có cùng mục tiêu và khát vọng.
6. Những chiến dịch Marketing Cảm xúc chinh phục thành công trái tim khách hàng
6.4. Dove và chiến dịch truyền cảm hứng “Let Her Grow”
Dove luôn được biết đến với những chiến dịch truyền thông mang tính truyền cảm hứng cho phái nữ. Xuất phát từ thực tiễn tại các trường học ở Thái Lan bắt buộc các nữ sinh phải để tóc đến ngang vai, giáo viên có quyền kỷ luật học sinh bằng cách cắt tóc, Dove đã kết hợp cùng công ty truyền thông Edelman phát động chiến dịch “Let Her Grow” nhằm thay đổi định kiến về vẻ ngoài của người con gái.
Chiến dịch “Let Her Grow” được thực hiện giúp gia tăng nhận thức của người dân Thái Lan về quyền tự do thể hiện cá tính của những trẻ em nữ đang ở lứa tuổi vị thành niên.
Tận dụng thời điểm bắt đầu học kỳ mới, chiến dịch đã sử dụng hình ảnh mái tóc ngắn ấn tượng phủ sóng trang nhất các báo hàng đầu Thái Lan cùng các biển quảng cáo ngoài trời rực rỡ, thu hút sự chú ý và tò mò của người dân.
Hình ảnh và thông điệp của chiến dịch xuất hiện trên hàng loạt Billboard đường phố
Mã QR được lồng ghép khéo léo trong những hình ảnh này chính là chìa khóa dẫn đến trang web nơi họ có thể chung tay ủng hộ chiến dịch: từ phụ huynh, học sinh cho đến các nhà giáo dục, tất cả đều có thể thể hiện cam kết của mình.
Mã QR được lồng ghép một cách khéo léo trong mái tóc của nữ sinh
Trong TVC đầy cảm xúc, Dove đã nêu rõ thực trạng tác động của hình phạt cắt tóc đến các em học sinh ở Thái Lan, đồng thời công bố các kết quả nghiên cứu của mình trong thời gian vừa qua. Một sự kiện báo chí quốc gia cũng đã diễn ra với sự góp mặt của những người có sức ảnh hưởng và những nhà tâm lý học để thảo luận sâu hơn về vấn đề này, qua đó, kêu gọi đồng cảm và ủng hộ từ cộng đồng.
TVC #LetHerGrow đầy cảm xúc của chiến dịch
>> Khám phá thêm một số chiến dịch ý nghĩa khác của Dove:
★ Chiến dịch OOH “Turn Your Back” của Dove: Quay lưng với bộ lọc làm đẹp độc hại
6.2. Generali Vietnam cùng câu chuyện “Thương mình” trong vũ trụ “Sống Như Ý”
Generali Vietnam là công ty Bảo hiểm Nhân thọ trực thuộc tập đoàn Generali, Ý. Generali Vietnam là một minh chứng cho nỗ lực thay đổi định kiến về ngành bảo hiểm khi truyền tải những thông điệp chân thật, ý nghĩa cùng cách tiếp cận mềm mại, chinh phục đông đảo người tiêu dùng Việt thông qua vũ trụ “Sống Như Ý”.
Generali Vietnam và hành trình 3 năm chinh phục trái tim khách hàng với vũ trụ “Sống Như Ý”
Trong chương tiếp theo của vũ trụ “Sống Như Ý”, vào tháng 10 năm 2022, Generali kể một câu chuyện với thông điệp “Thương mình một tí, cho đời như ý”, hướng đến những đối tượng mục tiêu đang mải miết chạy theo những kỳ vọng vô hình mà quên đi bản thân mình cũng được chăm sóc và vỗ về qua content video “Thương mình một tí, cho đời như ý”, được đăng tải trên kênh YouTube, Facebook, và TikTok của thương hiệu.
TVC quảng cáo của Generali để lại nhiều suy nghĩ trong những người trẻ hiện đại
Xuyên suốt MV là câu chuyện về một người con – đại diện cho những người trẻ đang mang trên vai sức nặng của những sự kỳ vọng từ gia đình, bạn bè, và cả chính bản thân họ. Đó là kỳ vọng về một sự nghiệp thành công vẻ vang, một mái ấm hạnh phúc, những mối quan hệ chất lượng. Chúng khiến họ mãi chạy theo guồng quay cuộc sống mà quên mất bản thân.
Dần dà, đối với họ, việc nghỉ ngơi trở thành một điều xa xỉ vì nỗi lo sợ bị tụt lại phía sau, không còn là chỗ dựa vững chắc cho người khác. Từ đó Generali gửi gắm thông điệp an ủi, cổ vũ nhẹ nhàng như lời nhắn gửi của người bạn đồng hành thấu hiểu những áp lực giấu kín của nhóm đối tượng mục tiêu mà vẫn khéo léo thể hiện được vai trò người bạn trọn đời mà Generali nỗ lực xây dựng.
Generali kết hợp với các kênh quảng cáo ngoài trời để tăng độ phủ của chiến dịch
Ngoài những hoạt động online, Generali Vietnam cũng kết hợp truyền thông trên kênh OOH để tối đa khả năng lan tỏa của chiến dịch, thương hiệu đưa thông điệp “Generali – Thương hiệu bảo hiểm số 1 nước Ý” lên các màn hình LED quảng cáo ngoài trời ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… với đa dạng vị trí từ toà nhà văn phòng, sân bay, đến trung tâm thương mại…
Chiến dịch đã thu về những hiệu quả lớn về mặt truyền thông, góp phần giúp Generali trở thành thương hiệu bảo hiểm nổi bật nhất mạng xã hội năm 2022 (Bảng xếp hạng YouNet Media 2022).
>> Khám phá thêm: Generali “đốn tim” khách hàng với chiến dịch OOH sáng tạo nhân dịp Valentine
6.3. Lifebuoy mang một “Tết Ổn” mới lạ trong mùa Tết 2024
Trong dịp Tết Nguyên Đán 2024, khi các thương hiệu nô nức phủ sóng thị trường với hàng loạt chiến dịch quảng cáo Tết thì “Tết Ổn Rồi” đến từ thương hiệu Lifebuoy được đánh giá là một trong những chiến dịch thành công và được yêu thích nhất. Trên đường đua chiến dịch Tết, Lifebuoy đem đến Big Idea “Tết Ổn” mang mục đích tái định nghĩa lại về Tết trong mỗi người, Tết ổn chỉ đơn giản là khi cùng nhau sum vầy, đoàn viên bên gia đình chứ không phải những kỳ vọng về công việc, tiền bạc, tình cảm.
Chiến dịch Tết 2024 vừa qua của Lifebuoy tái định nghĩa về một “Tết ổn”
Trong MV “Tết Ổn rồi” mở màn cho chiến dịch vào 1/1/2024, thay vì hình ảnh lấp lánh, sung túc thường thấy trong các quảng cáo Tết, MV “Tết Ổn Rồi” lại mang đến câu chuyện bình dị nhưng đầy xúc động về gánh nặng tài chính, lo toan cơm áo gạo tiền của những người trưởng thành khi Tết đến xuân về. MV khép lại với thông điệp nhẹ nhàng, ấm áp: “Có gia đình, có sức khỏe là Tết Ổn Rồi”.
MV “Tết ổn rồi” nằm trong chiến dịch quảng cáo Tết 2024 của LifeBuoy
Ngoài ra, Lifebuoy cũng tăng độ tương tác với chiến dịch bằng sự kiện bức tường “Tết Ổn” tại Landmark 81. Cụ thể, Lifebuoy lắp đặt một bức tường gạch với hàng loạt dòng chữ như “Trúng số một cái là ổn”, “Thưởng Tết 5 tháng là ổn”, “Dẫn được người yêu về nhà là ổn”… Người dân có thể tham gia sự kiện bằng cách viết mong muốn Tết của mình lên những viên gạch và rút ra đập vỡ chúng.
Bức tường ngập tràn những định nghĩa khác nhau về một cái “Tết Ổn” của mọi người
Từ đó, Lifebuoy muốn truyền tải thông điệp rằng mọi người hãy xóa đi kỳ vọng xa xôi mà chúng ta thường áp đặt vào ngày Tết, để định nghĩa lại một cái Tết ổn đơn giản chính là khi gia đình bên nhau. Kết quả, 260.000 là tổng lượt thảo luận về “Tết Ổn” trên các trang mạng xã hội, trong đó phần lớn là những phản hồi rất tích cực về chiến dịch cũng như thương hiệu Lifebuoy.
>> Khám phá thêm: Các chiến dịch OOH chào Tết 2024 cực hoành tráng của thương hiệu Việt
6.4. Chiến dịch “Baemin Cảm Ơn” nhân dịp sinh nhật 3 tuổi
Là ứng dụng “sinh sau đẻ muộn” và cũng sớm tạm biệt thị trường giao đồ ăn nhanh Việt Nam nhưng Baemin vẫn để lại nhiều dấu ấn và chiếm giữ trái tim của người tiêu dùng với những chiến dịch Marketing trẻ trung, sáng tạo và đậm cá tính riêng.
Trước khi rời Viêt Nam, Baemin đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dùng ứng dụng giao đồ ăn
Để đánh dấu sự kiện tròn 3 năm hoạt động, Baemin đã triển khai chiến dịch truyền thông để gửi gắm lời cảm ơn chân thành đến với khách hàng. Thay vì tập trung lấy bản thân thương hiệu làm trung tâm, Baemin đã sáng tạo rất nhiều thông điệp cảm ơn để gửi gắm đến khách hàng, những người đã đồng hành cùng Baemin trong suốt 3 năm hoạt động bằng việc sử dụng đa dạng các hình thức quảng cáo ngoài trời như biển bảng Billboard, Pano, màn hình LED, LCD…
Từ Billboard với hình ảnh và nội dung giản đơn nhưng cũng đủ khiến người đi đường phải “xốn xang”
Đến màn hình Frame đong đầy tình cảm từ đội ngũ của Baemin
Ngoài ra, Baemin cũng kết hợp quảng cáo trên các ứng dụng giải trí như YouTube, Spotify, Zing MP3, booking các post social từ các hot fanpage trên Facebook để gửi lời tri ân đến khách hàng đã cùng đồng hành cùng Baemin trong suốt 3 năm. Đặc biệt, trên mỗi một nền tảng, nhãn hàng sẽ truyền tải một lời cảm ơn khác nhau vô cùng dễ thương, “đốn” trọn trái tim của khách hàng như: “Cảm ơn bạn đã like, share và comment các bài viết về Baemin, tụi mình screenshot cho sếp hết rùi”, hay “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã khen tài xế Baemin đẹp trai để bọn tớ mát mặt”.
Baemin cảm ơn người dùng bằng những thông điệp viết tay dễ thương
Lời nhắn thân thiện, gần gũi từ team Marketing gửi tới khách hàng thông qua những nền tảng khác nhau khiến nhiều người cảm thấy vui vẻ và thích thú, không ngần ngại chụp hình và chia sẻ lên mạng xã hội.
>> Khám phá thêm: Baemin “mượn” OOH nhắn nhủ lời cảm ơn đến người dùng nhân dịp sinh nhật 3 tuổi
6.5. VPBank tái định nghĩa về “thịnh vượng” qua chiến dịch “Sống trọn thịnh vượng”
Vượt qua khuôn mẫu Marketing truyền thống vốn khô khan của ngành ngân hàng, chiến dịch “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng” của VPBank đã tạo nên một bước đột phá khi truyền tải khéo léo tuyên ngôn thương hiệu đến đúng insight của khách hàng.
Lấy chất liệu từ miền đất Sài Gòn – nơi hòa quyện của vô vàn cá tính và luôn phóng khoáng để mọi người tự do thể hiện nét riêng. Chất văn hóa của thành phố này được thể hiện khác biệt trong từng quận huyện, đặc trưng với từng nhóm dân cư. Với màu sắc cá tính đa dạng như thế, VPBank đã quyết định thể hiện sự thấu hiểu và đồng hành cùng Sài Gòn của mình bằng cách kể những câu chuyện riêng của từng quận huyện, tổng hòa dưới bức tranh chung Sài Gòn thịnh vượng.
VPBank mang đến sự tươi mới và niềm tự hào trong chiến dịch “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng”
Chiến dịch được mở đầu bằng những tấm pano, billboard được dựng lên khắp thành phố để tạo ấn tượng với người dân di chuyển trên đường. Cư dân của mỗi quận huyện sẽ được nhìn thấy một câu chuyện khác nhau, đặc trưng cho chính vùng đất mình đang sinh sống và lớn lên mỗi ngày. Những đặc trưng ấy tưởng chừng như đã quá quen thuộc nhưng khi chúng được gọi tên thì cũng khiến bất cứ ai khi xem đều cảm thấy đồng cảm và thích thú.
Phú Nhuận là một trong những quận được VPBank nhắc đến với câu thông điệp thể hiện cá tính riêng của mảnh đất này
VPBank đã khéo léo dẫn dắt chiến dịch, từ thu hút sự chú ý, xây dựng cộng đồng mạng xã hội lan tỏa thông điệp đến kết nối sâu sắc với video cảm xúc, thể hiện góc nhìn và vai trò của thương hiệu. Hình ảnh VPBank xuất hiện vừa đủ, không lấn át, khẳng định vị thế người bạn đồng hành lâu năm, cùng Sài Gòn chinh phục những cột mốc thịnh vượng riêng.
Billboard gọi tên Quận 5 – Nơi được mệnh danh là thiên đường ẩm thực với những món đặc sản trứ danh vùng Nam Bộ
Chiến dịch “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng” của VPBank đã khơi gợi thành công sự đồng cảm sâu sắc trong lòng khán giả, đạt được mục tiêu chinh phục người dùng và gia tăng tình cảm với thương hiệu.
Tạm kết
Như vậy, bằng cách hiểu và khai thác đúng cách các cảm xúc, thương hiệu có thể không chỉ tạo ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả mà còn xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Trong một thế giới mà sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, Emotional Marketing – Tiếp thị Cảm xúc chính là chìa khóa giúp thương hiệu nổi bật và tạo dấu ấn riêng biệt trong lòng người tiêu dùng.
Unique OOH