“Marketing sĩ diện” – Chiến lược Marketing đỉnh cao thu hút khách hàng của MB Bank

Chuyện kể rằng, khách hàng là tất cả mọi người trong đó có chúng ta, ai cũng thích được khen ngợi, thích được coi trọng và là VIP.

Chẳng vậy mà nắm được cái mong muốn nhỏ bé, sâu thẳm bên trong mỗi con người trên, nhiều nhãn đã có những chiêu tiếp cận, chăm sóc khách hàng rất thú vị và mang tới hiệu quả tốt trong việc thu hút, giữ chân khách hàng hay bán nhiều hàng hơn nữa.

1. Khách hàng thích được coi trọng

Đây là yếu tố rất quan trọng, khách hàng sẽ dễ dàng ra quyết định mua hàng khi cảm thấy mình được coi trọng.

Hãy thử hình dung xem, khi bạn bước vào một cửa hàng nào đó được nhân viên đón chào niềm nở, hỏi han và chăm sóc từng chút thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Đương nhiên là bạn sẽ muốn mua hoặc cố gắng mua một thứ gì đó vì cả nể, vì em ấy nhiệt tình quá. Thay vì việc bạn sẽ rời khỏi khỏi cửa hàng dù ở đó có thứ bạn cần nhưng đứa bán hàng lạnh tanh, hỏi chẳng thèm thưa, nhìn thôi đã ghét.

Vậy dịch vụ khách hàng rất cần được quan tâm, nhân viên dịch vụ khách hàng rất cần được đào tạo bài bản về cách chiều khách, cách tôn trọng và coi trọng khách hàng. Mà cũng đúng thôi, khách hàng là cha là mẹ, là người trả lương cho chúng ta, đương nhiên ta phải coi trọng khách hàng.

"Marketing sĩ diện" - Chiến lược Marketing đỉnh cao thu hút khách hàng của MB Bank

Khách hàng của chúng ta luôn có tâm lý thích được coi trọng. Ảnh: Internet

2. Khách hàng thích làm VIP

Như đã nói ở trên, khi khách hàng được coi trọng họ sẽ cảm thấy mình là VIP khi mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ tại cửa hàng đó, vì là VIP thì đáp ứng được những tiêu chí như đã nói ở trên.

Vậy nên phải phát hành thẻ vip, cho nhiều quyền lợi vào. Đây chính là sợi dây níu kéo khách hàng sử dụng dịch vụ một cách trung thành và chẳng muốn thay đổi sang chỗ khác. Tới đó, khách hàng là vip cơ mà, cần gì phải đổi sang chỗ mới làm new user, nai tơ.

"Marketing sĩ diện" - Chiến lược Marketing đỉnh cao thu hút khách hàng của MB Bank

Đã là khách hàng, ai cũng thích được làm VIP. Ảnh: Internet

3. VIP phải có thẻ VIP, thẻ VIP phải có số VIP

Đương nhiên đã là vip thì số thẻ cũng phải vip cho nó vip, thế mới chuẩn vip.

Tôi từng học được ở đâu đó họ làm thẻ vip rất thú vị với cái thẻ nhìn rất xịn, 4 số cuối đều là 8888 hoặc 9999 hay 6789 hết.

Còn lại số thứ tự thật thì ở giữa, bởi vì thói quen người dùng rõ ràng 4 số cuối mới là 4 số của thẻ, thế là khách hàng cứ cầm thẻ là thấy mình vip rồi. Khi đã vip thì thấy được coi trọng và thích cái thẻ đó, thích quay lại đó mua sắm, sử dụng dịch vụ, thích được khoe với bạn bè, bà con trên mạng xã hội.

"Marketing sĩ diện" - Chiến lược Marketing đỉnh cao thu hút khách hàng của MB Bank

Thẻ VIP, số VIP luôn là điều hấp dẫn bất cứ khách hàng nào. Ảnh: Internet

4. Ai cũng thường… sĩ diện

Đây cũng chính là một chiến lược hay mà MBBank sử dụng rất thành công để thu hút khách hàng.

Họ là đơn vị tiên phong mở số tài khoản số đẹp cho khách hàng theo ý muốn.

Giai đoạn đầu thì là bán số tài khoản đẹp, giai đoạn sau này thì thậm chí hình như cho không để thu hút thật nhiều khách hàng mở tài khoản mới.

Vài năm trước tôi được cấp số ***8688888 nhìn rất kinh, hình như tầm 2018 và từ đó tôi rất chung thủy với MBBank mặc dù nhận rất nhiều lời mời gọi mở tài khoản ở các ngân hàng khác.

Ví dụ như Techcombank, tôi thấy khen dịch vụ lắm và cũng đã từng dùng nhưng giờ tôi bỏ vì xin mãi chẳng được số đẹp. Thậm chí tới tận bây giờ họ vẫn mở số theo cách truyền thống trong khi rất nhiều ngân hàng khác đã chuyển đổi, thu hút khách hàng bằng cách mở số tài khoản theo số được yêu cầu rồi.

Nói gì thì nói chứ, có một số tài khoản nhìn vip vip tý cũng oách khi đọc lên, chẳng biết trong tài khoản có tiền hay không nhưng cứ oách oách là thích thích rồi.

Tôi thích chiêu tiếp cận, thu hút này của MBBank quá.

"Marketing sĩ diện" - Chiến lược Marketing đỉnh cao thu hút khách hàng của MB Bank

Marketing sĩ diện – chiêu thức Marketing đánh vào tâm lý “thích sĩ diện” của khách hàng. Ảnh: Internet

Tạm kết

Với những điều như nói ở trên, tôi nói đó là “marketing sĩ diện”, một chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm để nhắm vào cái tính sĩ diện trong mỗi chúng ta, như vậy chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt.

Và đương nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay thì càng nhiều “thương hiệu sĩ diện” thì người dùng càng được lợi, chúng ta càng được sử dụng dịch vụ bán hàng, hậu mãi tốt.

Như vậy chẳng phải sĩ diện của chúng ta không phải dở mà thật là tốt hay sao?

Các nhãn hàng nếu có thể xin hãy cứ sĩ diện vì người dùng chúng tôi cũng thường thích sĩ diện.

Phạm Ngọc Linh
Sáng lập và điều hành Unique OOH

Viết bình luận

error: