Quảng cáo ngoài trời tại Giao lộ Piccadilly Circus (London, Anh quốc)

Giao lộ Piccadilly Circus là một trong những địa điểm quảng cáo ngoài trời được đánh giá đắt đỏ nhất hành tinh, sánh ngang cùng những cái tên như giao lộ Shibuya – Nhật Bản hay quảng trường thời đại Times Square New York – Mỹ. Tọa lạc tại trung tâm thủ đô London – Vương quốc Anh, Piccadilly Circus không chỉ là điểm đến kết nối những con đường du lịch nổi tiếng, mà còn luôn rực rỡ sắc màu với điểm nhấn hiện đại: Màn hình LED khổng lồ Piccadilly Lights.

Đối với những người yêu quảng cáo, những cái tên như giao lộ Shibuya của Nhật Bản hay quảng trường thời đại Times Square New York của Mỹ từ lâu đã trở thành các “thánh địa” của quảng cáo ngoài trời. Đi dọc những con đường này, dù là khách du lịch hay là người địa phương, dù là người làm marketing hay bất cứ nghề nghiệp nào đi nữa, cũng sẽ phải trầm trồ trước loạt biển bảng, màn hình quảng cáo kỳ ảo, nơi biển quảng cáo ngoài trời trở thành những tác phẩm nghệ thuật đa màu, hiện đại.

Thế nhưng cũng nằm trong danh sách các “thánh địa” của quảng cáo ngoài trời, còn một địa điểm trứ danh có tên Piccadilly Circus. Giao lộ Piccadilly Circus không hề sở hữu loạt biển bảng, màn hình sinh động như những người bạn của mình, nhưng ở đây tọa lạc một biểu tượng có tên Piccadilly Lights, thứ nâng tầm tiếng tăm cho giao lộ nhộn nhịp nhất nước Anh này.

Vậy ánh đèn của Piccadilly Lights có gì mà khiến lịch sử quảng cáo ngoài trời của Anh cũng như của toàn thế giới phải rộn ràng trước cái tên Piccadilly Circus đến thế? Hãy cùng Unique OOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

1. Giao lộ Piccadilly Circus – Nơi kết nối những dòng chảy văn hóa, du lịch

1.1. Lịch sử hình thành của giao lộ Piccadilly Circus

Piccadilly Circus là một giao lộ đã hơn 200 năm tuổi đời, được thi công và đưa vào sử dụng năm 1819 với mục đích kết nối các con đường chính lúc bấy giờ của West End, Westminster, bao gồm phố Regent với đường Piccadilly.

Piccadilly, con đường chính kết nối với Piccadilly Circus lần đầu tiên được xuất hiện vào năm 1626. Khi ấy con đường được gọi là Piccadilly Hall, đặt theo tên của ngôi nhà nơi vị thợ may nổi tiếng Robert Baker dùng để bán piccadill (hay piccadillies) – một thuật ngữ trong ngành may mặc dùng để chỉ loại cổ áo xếp nếp thời thượng của thế kỷ 17.

Trong tiếng Anh, từ “circus” của Piccadilly Circus có nghĩa là “gánh xiếc”, bởi vậy với nhiều người khi lần đầu tiếp xúc với cụm Piccadilly Circus sẽ dễ bị bối rối, khó hiểu. Thế nhưng từ “circus” thực chất lại xuất phát từ tiếng Latin. Đây là một từ nhằm miêu tả về mặt kiến trúc, có nghĩa là một giao lộ nơi có sự chuyển động vòng, hoặc chính là một vòng bùng binh, vòng xuyến. 

Về phía Piccadilly Circus, giao lộ trước đây là một điểm giao giữa 6 con đường, với trung tâm vòng xoay là tượng thần Hy Lạp Anteros. Tuy nhiên về sau, khi quy hoạch lại, Piccadilly Circus chỉ còn là giao lộ của 3 con đường, đồng thời khu vực tượng thần Hy Lạp Anteros cũng không còn hình dạng vòng xuyến nữa. Thế nhưng vòng xoay thời đại của Piccadilly Circus thì vẫn còn nguyên, vẫn không ngừng xoay vần và phát triển.

Piccadilly Circus thường được ngợi ca như Quảng trường Thời đại của Anh Quốc, bởi không chỉ mang vẻ đẹp sang trọng không thể bỏ qua dù ghé thăm vào ngày hay đêm, mà nơi đây còn là một điểm khởi hành lý tưởng, một trung tâm giao thông đầy tính biểu tượng để bắt đầu chuyến hành trình khám phá London.

1.2. Tại sao nói Piccadilly Circus là địa điểm hấp dẫn, kết nối văn hóa, du lịch?

Về mặt địa lý, giao lộ Piccadilly Circus là điểm giao của đường Regent, đại lộ Shaftesbury, con đường Piccadilly và Haymarket. Đây là những con đường kéo gần các khu vực chính mang đậm màu sắc văn hóa, lịch sử và cả du lịch lại với nhau, bao gồm quảng trường Trafalgar, Soho, Phố Người hoa và quảng trường Leicester. Chính giữa giao lộ Piccadilly, nơi các con đường giao nhau là bức tượng của cung thủ Hy Lạp Anteros với đôi cánh hiên ngang, nằm cao trên đỉnh của đài phun nước Shaftesbury. Nơi đây là chốn tụ họp cũng như địa điểm tuyệt vời để ngắm quang cảnh chung của giao lộ.

Cũng chính vì có lợi thế độc đắc về địa lý mà Piccadilly Circus là nơi có thể giúp bạn đi tới bất cứ đầu tùy vào nhu cầu, mong muốn hay thậm chí là cảm xúc. Nếu bạn đang cảm thấy muốn đi bộ thưởng cảnh, hướng Bắc sẽ đưa bạn đến con đường Oxford nổi tiếng cổ kính, hướng Tây sẽ cùng bạn rảo bước qua những khu vực xa xỉ, sang trọng của London, hướng Nam sẽ làm mới tâm hồn bạn với công viên Green và hướng Đông là khu vực thú vị của Phố Người Tàu. Hãy đi về phía đường Regent nếu cơn “nghiện” mua sắm của bạn đang réo gọi, còn để thỏa mãn phần nghệ thuật trong tâm hồn mình, hãy chọn một ngã rẽ và đến Rạp hát Hoàng gia hay Học viện Nghệ thuật Hoàng Gia gần đó.

Không chỉ là trung tâm giải trí vào ban ngày, kể cả khi mặt trời khuất bóng, Piccadilly Circus vẫn tỏa sức hút cùng loạt nhà hàng chất lượng hàng đầu, những quán bar lãng mạn nằm trong khu vực và khu Soho cạnh bên, các night club náo nhiệt, bao gồm cả câu lạc bộ đêm Chinawhite.

Để nói về sức hấp dẫn của giao lộ Piccadilly Circus, phải kể đến sự xuất hiện của nơi này trong các tác phẩm điện ảnh. Trong phần 1 của loạt phim vạn người mê Harry Potter, có một cảnh quay ấn tượng đã được quay tại giao lộ Piccadilly, đó là cảnh “bộ sậu” Harry, Hermione và Ron bay qua khu vực phía Tây London. Giao lộ còn từng xuất hiện trong bộ phim đậm chất nước Anh “Sherlock”.

Xuôi dòng lịch sử với Piccadilly Circus, quảng cáo ngoài trời cũng phát triển rực rỡ không kém và là một phần làm nên thương hiệu của nơi đây. Tuy loạt biển hiệu đèn neon hào nhoáng đã được quy hoạch lại chỉ còn một biển hiệu chính có tên Piccadilly Lights, nhưng sự ấn tượng của biển hiệu vẫn đủ để khiến nơi đây sáng bừng, khiến người đi đường không thể không nán lại và trầm trồ.

2. Lịch sử ra đời và phát triển của Piccadilly Lights

Piccadilly Circus là một trong những địa danh nổi tiếng, dễ nhận biết nhất của Vương quốc Anh, là “nàng thơ” của nhiều lời ca, khung hình điện ảnh. Thế nhưng hào quang của nơi đây còn đến từ ánh sáng hào nhoáng của những tấm biển quảng cáo billboard ấn tượng, được gọi chung là Piccadilly Lights. Với lịch sử phát triển rực rỡ kéo dài hơn 100 năm, bắt đầu từ chiến dịch đầu tiên vào năm 1908 cho đến lần công bố sự thay đổi đột phá vào năm 2017, Piccadilly Lights không chỉ là niềm tự hào của nước Anh, mà còn là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của quảng cáo ngoài trời nói chung và tiềm năng sáng tạo của quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số nói riêng.

2.1. Sự ra đời và những ánh đèn rực rỡ đầu tiên của Piccadilly Lights

Trên thực tế, kế hoạch tạo ra một không gian quảng cáo ngoài trời với những tấm bảng biển billboard được chiếu sáng có tên Piccadilly Lights đã được Anh quốc lên kế hoạch từ khoảng những năm 1819, khi việc xây dựng Piccadilly Circus đang được thực hiện để kết nối hai tuyến phố là Regent và Piccadilly lại với nhau.

Tuy nhiên, sự gián đoạn trong xây dựng đã khiến Piccadilly Lights phải lùi lại khá lâu trước khi được thành hình. Mãi cho đến năm 1906, khi Piccadilly Circus đã ổn định đưa vào sử dụng và nhà ga tàu điện ngầm Piccadilly Circus được xây dựng hoàn thiện, thì hai năm sau đó, những tấm biển quảng cáo được chiếu sáng đầu tiên mới xuất hiện.

Tấm biển quảng cáo được chiếu sáng bằng đèn điện đầu tiên xuất hiện trên Piccadilly Circus thuộc về thương hiệu Perrier vào năm 1908. Được biết, ý tưởng đưa những quảng cáo đèn điện lên các tấm billboard khổ lớn ngoài trời xuất phát từ việc các nhà quảng cáo đánh giá cao việc lắp đặt các bảng quảng cáo được chiếu sáng cỡ nhỏ trên mặt tiền của các phòng trà. Vào năm 1923, tiếp sau Perrier là Bovril, một thương hiệu sản xuất nước thịt hầm đã quảng bá cho sản phẩm của mình tại Piccadilly Lights, nhưng đây là lần đầu Piccadilly Circus có ánh sáng đèn neon quảng cáo.

Vào thời điểm bấy giờ, hầu hết các ngôi nhà tại Anh chỉ được thắp sáng bằng đèn gas, vậy nên những quảng cáo ngoài trời sử dụng đèn điện và đèn neon là một điểm mới lạ, làm tăng thêm vẻ hấp dẫn, thời thượng cho Piccadilly Circus.

2.2. Những khó khăn trong việc phủ sóng những ánh đèn của Piccadilly Lights

Kể từ khi tiềm năng của những bảng quảng cáo điện được chứng minh mạnh mẽ qua các chiến dịch đầu tiên tại giao lộ Piccadilly Circus, ngành quảng cáo của nước Anh đã chuyển mình mạnh mẽ, với sự tự tin và quyết đoán hơn khi triển khai các chiến dịch OOH với Piccadilly Lights. Cũng từ đầu thế kỷ 19, sự nở rộ của thương mại và những tiến bộ vượt bậc trong in ấn, thi công đã dẫn đến việc các biển quảng cáo mọc lên không kiểm soát. Quảng cáo xuất hiện ở khắp mọi nơi, với đủ thể loại được quảng cáo từ thuốc lá đến trà và bột xà phòng. Không chỉ nội dung không được kiểm soát, việc quy hoạch các quảng cáo cũng vô tội vạ, được biệt là với những bảng quảng cáo sử dụng đèn được phản ánh là có thể gây nguy hiểm tới giao thông.

Từ đây, Piccadilly Lights đã xảy ra các cuộc cải cách cũng như một số xung đột liên quan tới quy hoạch bảng quảng cáo billboard. Chính quyền địa phương đã sử dụng các điều luật về sử dụng đèn và biển báo trong Đạo luật Xây dựng London năm 1894 để ngăn chặn việc “tràn lan những ánh đèn nhấp nháy từ các biển quảng cáo trên mọi con phố dẫn đến gây nguy hiểm cho giao thông”. Điều này kéo theo một kế hoạch nhằm tái phát triển phía Bắc và phía Đông của Piccadilly Circus, loại bỏ giao lộ khỏi tình trạng “các tòa nhà lộn xộn, mất trật tự”.

Thế nhưng kế hoạch này đã vấp phải vô số sự phản đối và vẫn còn khó khăn, mơ hồ trong việc thực thi suốt một khoảng thời gian dài. Những người phản đối phần lớn đến từ giới kinh doanh, thương mại khi những quảng cáo lung linh này đang là điểm nhấn “kiếm tiền” cho họ; và các chủ sở hữu của các tòa nhà cho thuê mặt bằng đặt quảng cáo tại Piccadilly Circus bởi khoản thu nhập béo bở mà biển hiệu quảng cáo đem lại.

Tiến trình quy hoạch vị trí quảng cáo tại Piccadilly Circus còn diễn ra trong nhiều năm sau đó. Tiến trình này cũng đồng hành song song với việc nâng cấp chất lượng công nghệ sử dụng cho các quảng cáo Piccadilly Lights.

Về sau, dưới sự quyết liệt của chính quyền, số lượng biển quảng cáo tại Piccadilly Circus bắt đầu giảm dần và sau cùng chỉ còn giữ lại 6 bảng quảng cáo tập trung cạnh nhau ở vị trí đắc địa nhất, cũng là vị trí đắt đỏ nhất để tiếp tục kinh doanh quảng cáo ngoài trời billboard.

2.3. Piccadilly Lights – Từ phát triển rực rỡ tới phát triển đỉnh cao

Trong những năm tiếp theo, đặc biệt là 50 năm trở lại đây, Piccadilly Lights đã trở thành biểu tượng gắn liền với những tiến bộ công nghệ mới nhất khi không ngừng phát triển và mở rộng tiềm năng của mình với các bảng quảng cáo billboard ngoài trời.

Kể từ đó, logo của nhiều tên tuổi, thương hiệu đã bừng sáng tại nơi đây, biến Piccadilly Lights trở thành một địa điểm hấp dẫn, xuất hiện trong nhiều bộ phim và chương trình truyền hình. Hành trình công nghệ tại Piccadilly Circus có thể điểm lại với những sự kiện chính như sau:

– Những năm 1908 đến 1920: Bóng đèn đơn giản được sử dụng trong quảng cáo billboard ngoài trời.

– Năm 1923: Bảng hiệu đèn neon dần chiếm ưu thế hơn so với bóng đèn thường. Rất nhanh chóng, Bovril là thương hiệu đầu tiên sử dụng loại hình quảng cáo này.

– Năm 1998: Máy chiếu kỹ thuật số được tích hợp sử dụng cùng bảng quảng cáo billboard ngoài trời. Thương hiệu nước giải khát nổi tiếng Coca Cola đã tiên phong sử dụng chúng cho các quảng cáo của mình lúc bấy giờ.

– Trong những năm 2000, màn hình LED dần dần được chuyển đổi thay thế cho bảng quảng cáo đèn neon, và chính thức áp đảo vào năm 2011.

– Năm 2017: Sự thay đổi lớn nhất từng có đã xảy ra tại Piccadilly Lights khi 6 màn hình LED riêng rẽ ban đầu đã được thi công sáp nhập trở thành một màn hình quảng cáo khổng lồ duy nhất, với các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến có kết hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo AI.

3. Cuộc cách mạng kỹ thuật số lớn nhất của Piccadilly Lights

Tính đến năm 2017, những ngọn đèn của Piccadilly mới chỉ từng chìm trong bóng tối bốn lần: Đám tang của thủ tướng Winston Churchill, đám tang của công nương xứ Wales Diana, sự cố mất điện trong Thế chiến lần thứ 2 và chiến dịch Lights Out London vào năm 2007. Piccadilly Lights giống như trái tim đang đập của London, như hơi thở thời đại của Anh quốc. Bởi vậy mà những thời khắc tắt đèn trên giao lộ Piccadilly đều gắn với một sự kiện rung động đất nước. Sự kiện biến đổi màn hình quảng cáo billboard của Piccadilly Lights vào năm 2017 cũng vậy.

Vào năm 2017, toàn bộ hệ thống đèn LED chiếu sáng màn hình quảng cáo của Piccadilly Lights đã được tắt hoàn toàn trong vòng 9 tháng để thực hiện một cuộc cải tạo lớn nhằm đưa màn hình kỹ thuật số tiên tiến nhất của châu Âu đến giao lộ Piccadily Circus, đồng thời để bảo tồn thiết kế và mặt tiền lịch sử tại Piccadilly. Ánh sáng đã quay trở lại vào ngày 26 tháng 10 năm 2017.

3.1. Sự ra đời của màn hình LED quảng cáo lớn nhất Anh quốc

“Điều quan trọng nhất từng xảy ra với Piccadilly Lights không chỉ trong 50 năm qua mà trong toàn bộ lịch sử của nó phải là khoản đầu tư của Landsec và việc khởi chạy lại như một màn hình duy nhất tại Piccadilly Circus vào tháng 10 năm 2017” – Richard Malton, Giám đốc Marketing tại Ocean Outdoor, công ty quảng cáo kỹ thuật số đã quản lý Piccadilly Lights từ năm 2016 cho biết.

“Nó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Piccadilly Lights, đây còn là sự khởi đầu mới cho giao lộ Piccadilly – địa danh và cũng là điểm du lịch nổi tiếng nhất của London, biến nơi đây trở thành động lực để các thương hiệu toàn cầu giao tiếp với công chúng của mình. Quả là một giai đoạn chưa từng có và lần này là có một-không-hai” – ông Richard chia sẻ thêm.

Trước khi cuộc “cách mạng” xảy ra, Piccadilly Lights được tạo thành bởi 6 màn hình riêng rẽ, để phục vụ chiếu các quảng cáo riêng lẻ từ các thương hiệu khác nhau. Nhưng màn hình mới của Piccadilly Lights sẽ thay thế tất cả bằng một màn hình LED kỹ thuật số duy nhất. Với diện tích 738,5m2, màn hình được đánh là là màn hình LED kỹ thuật số lớn nhất tại châu Âu. Màn hình tự hào khi sở hữu độ phân giải lớn hơn 1,4 lần so với màn hình LED độ phân giải 4K, tức chiếc màn hình khổng lồ này có thể so sánh tương đương với màn hình TV rộng 1000 inch và có khả năng tạo ra hơn 281 nghìn tỷ màu sắc.

Vào ngày ra mắt màn hình LED lớn nhất châu Âu tại Piccadilly Circus, video công chiếu phát trực tiếp trên Youtube và Facebook của công ty quảng cáo kỹ thuật số Ocean Outdoor đã thu hút được hơn 12 triệu khán giả theo dõi, đánh dấu một thời khắc trọng đại cho địa điểm lịch sử ở trung tâm London này.

3.2. Các tính năng độc đáo của màn hình LED quảng cáo lớn nhất nước Anh

Không chỉ là màn hình LED quảng cáo lớn nhất nước Anh, màn hình LED khổng lồ của Piccadilly Lights còn tích hợp các công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo, điển hình nhất là công nghệ nhận dạng thông qua trí tuệ nhân tạo AI.

Hiện tượng gia tăng sử dụng công nghệ nhận dạng trong không gian công cộng, chẳng hạn như việc lắp đặt ba màn hình tương tác kỹ thuật số ở Nhà ga Trung tâm Grand của Birmingham vào năm 2015 đã thúc đẩy một số kiến trúc sư và nhà thiết kế khám phá sâu hơn về công nghệ thú vị này. Trong đó có các kiến ​​trúc sư  Herzog & de Meuron  và nghệ sĩ  Ai Weiwei đã  sử dụng máy bay không người lái để theo dõi hành vi, phản ứng của khách thăm quan ở Park Avenue Armory, New York, nơi có lắp đặt màn hình nhận dạng thông minh, để nhận xét về công nghệ giám sát và nhận dạng khuôn mặt hấp dẫn. Và làn sóng ấy cuối cùng cũng đổ bộ vào màn hình LED cực lớn của Piccadilly Lights.

Ra mắt ngày 26 tháng 10 năm 2017, với kích thước 17,5 mét x 44,6 mét, tổng diện tích hơn 780m2, màn hình mới tại Piccadilly Circus này còn lớn hơn cả một sân tennis. Đó chỉ là một trong những đặc điểm gây trầm trồ về Piccadilly Lights thế hệ mới.

Đặc điểm đáng chú ý nhất của Piccadilly Lights thế hệ mới đó là công nghệ tương tác và sáng tạo với tình hình thực tế, cũng như phát các luồng video trực tiếp và công nghệ nhận dạng phương tiện.

Lansec, công ty sở hữu bảng quảng cáo khổng lồ có tên Piccadilly Lights của giao lộ Piccadilly Circus cho biết phía trong màn hình được giấu một camera tích hợp, camera này có thể theo dõi dáng vẻ của người đi đường và kiểu dáng, màu sắ của những chiếc xe chạy qua để đưa ra các quảng cáo phù hợp nhắm trúng mục tiêu.

Các thương hiệu có thể lập trình trước các quảng cáo cụ thể để phát khi những chiếc xe chạy qua, và hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp với độ tuổi hoặc giới tính của người qua đường, nhóm đối tượng mục tiêu mong muốn.

Trong camera ẩn này, các nhà phát minh đã tích hợp một thuật toán có thể ghi lại các dấu hiệu trực quan, ví dụ như chiều dài của tóc, để đưa ra các giả định về nhân khẩu học của khu vực. Chẳng hạn như nếu thuật toán phát hiện tỷ lệ phụ nữ trong khu vực cao hơn, qua nhiều người đi đường có độ dài tóc trung bình của phụ nữ, thuật toán sẽ chuyển sang hiển thị quảng cáo cho quần áo nữ.

Về tính năng tương tác, màn hình sẽ tận dụng thời đại của điện thoại thông minh, lắp đặt và phát đi một luồng mạng wifi cục bộ. Mọi người khi truy cập bằng sóng wifi này có thể tương tác với các thương hiệu được hiển thị trên màn hình qua các nền tảng truyền thông xã hội. Từ những kết quả tương tác thu được, các thương hiệu có thể hiểu khách hàng hơn và đưa ra các quảng cáo gần gũi, mang giá trị lợi ích nhất tới cho người dân trong khu vực.

Landsec chia sẻ: “Công nghệ màn hình mới sở hữu các cảm biến thị giác, có thể phát hiện các yếu tố nhất định của khu vực xung quanh, mở ra tiềm năng cho ta điều chỉnh nội dung để đáp ứng sau đó”.

Mặc dù màn hình Piccadilly Lights sẽ có thể hiển thị nội dung quảng cáo đáp ứng các yếu tố thời gian thực, chẳng hạn như thời tiết hoặc màu sắc của ô tô, nhưng công nghệ này không thể nhận dạng từng người hoặc hiển thị nội dung được nhắm mục tiêu riêng lẻ. Tức tính năng này chỉ phát huy tác dụng khi thương hiệu nhắm quảng cáo cùng lúc tới một nhóm đối tượng lớn.

Một số tính năng thú vị khác của màn hình Piccadilly Lights mới:

– Không giống như màn hình cũ được tạo thành từ sáu tấm màn hình riêng lẻ có ngăn cách nhau một chút, màn hình đơn mới có thể mang đến một quảng cáo duy nhất trải dài trên toàn bộ bề mặt hơn 730m2 của nó. 

– Nhưng màn hình Piccadilly Lights vẫn có tùy chọn chia màn hình điện tử thành các ô riêng lẻ để hiển thị nhiều quảng cáo cùng một lúc như 6 tấm màn hình riêng lẻ cũ. Điều này đem đến 6 phần chuyển động đầy đủ, đặc sắc trong màn hình mới.

– Độ phân giải gấp 1,4 lần màn hình 4K đem đến sự chân thật đến từng chi tiết.

– Màn hình có dung lượng màu là 281 nghìn tỷ.

4. Chi phí để quảng cáo trên Piccadilly Lights là bao nhiêu?

Giao lộ Piccadilly Circus là địa điểm đông đúc, nhộn nhịp bậc nhất London, theo số liệu thống kê, trung bình có khoảng 2 triệu người đi ngang qua nơi đây mỗi tuần, trong đó có hơn một nửa, cụ thể là 69% là người đi bộ. Ngoài ra, trung bình mỗi năm nơi này có khoảng 70 đến gần 100 triệu lượt khách, với hơn 30 triệu lượt xe. Điều này có nghĩa là thời gian người đi đường hướng mắt lên nhìn quảng cáo là rất lớn. Chưa kể vị trí của Piccadilly Lights nằm ở trung tâm thành phố, nơi có thể đón khách cả ngày lẫn đêm, nên quảng cáo có thể thu hút khán giả 24/24 giờ.

Bên cạnh đó, việc khách du lịch từ mọi nơi đổ về Piccadilly Circus mỗi năm ghi lại hàng triệu bức ảnh với quảng cáo trên Piccadilly Lights, điều này càng làm tăng giá trị lan truyền từ những quảng cáo.

Lorna Tilbian, nhà phân tích truyền thông tại Numis Securities, cho biết: “Một bảng quảng cáo kỹ thuật số quy mô lớn có giá trị hơn nhiều so với sáu bảng quảng cáo kỹ thuật số cỡ nhỏ của Piccadilly Lights trong quá khứ. Bạn có thể nói rằng bảng quảng cáo này tương đương với Super Bowl – không gian quảng cáo đắt đỏ nhất thế giới. ”

Với mỗi ô màn hình trong số sáu màn hình của Piccadilly Lights trong quá khứ có trị giá hơn 4 triệu bảng một năm, các nhà phân tích quảng cáo ước tính rằng cơ hội để quảng cáo bằng màn hình LED khổng lồ mới này có thể trị giá tới 30 triệu bảng, tương đương với khoảng 2,5 triệu bảng cho một tháng.

Năm 2002, Yoko Ono, vợ của cố nghệ sĩ John Lennon, trưởng nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, đã trả hơn 100.000 bảng Anh để câu nói của chồng cô: “Hãy tưởng tượng tất cả mọi người đang sống trong hòa bình” được chiếu sáng trong ba tháng.

5. Những cái tên từng xuất hiện tại màn hình LED khổ lồ của Piccadilly Circus

Giám đốc danh mục đầu tư của Landsec, Vasiliki Arvaniti cho biết: “Piccadilly Lights là một trong những biểu tượng của London trong hơn một thế kỷ qua và là một cảnh tượng không thể bỏ qua đối với hàng trăm triệu người đi qua Piccadilly Circus mỗi năm”.

Một trong những thương hiệu quen thuộc nhất thường sử dụng Piccadilly Lights để quảng cáo là Coca Cola, công ty đã có bảng hiệu đầu tiên tại Piccadilly Circus vào năm 1955. Gần đây hơn, gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ uống đã sử dụng Piccadilly Lights để bắt kịp xu hướng và tương tác với khách hàng thực tế nhiều hơn.

Sanyo là một cái tên khác gắn liền với địa điểm Piccadilly Lights. Sau khi ký hợp đồng đầu tiên vào năm 1978, gã khổng lồ điện tử Nhật Bản đã chiếm một trong năm vị trí cố định tại Piccadilly Lights cho đến năm 2011 khi nó được thay thế bởi Hyundai – công ty mới đầu tiên mua lại vị trí tại Piccadilly Lights trong suốt 17 năm không có cái tên mới thay đổi.

Cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Piccadilly Lights là các thương hiệu như Guinness; TDK, vào năm 1990 đã tiếp quản không gian mà Kodak sử dụng trước đây; McDonald’s và Nescafé.

Sau đó, vào năm 2017 Coca-Cola, eBay, Hunter, Hyundai, L’Oréal Paris và Stella McCartney là sáu thương hiệu đã khởi chạy lại Piccadilly Lights với một vòng luân phiên của các quảng cáo kỹ thuật số chuyển động, tái tạo lại thương hiệu quen thuộc thông qua các công nghệ hiện đại mang đậm tính nghệ thuật.

Tạm kết

Có thể nói, vị trí quảng cáo Piccadilly Lights tại giao lộ Piccadilly Circus là giấc mơ của mọi quảng cáo trên thế giới này. Không chỉ có giá trị về mặt thương mại, những quảng cáo được xuất hiện tại nơi đây còn làm nên một phần lịch sử, ý nghĩa tinh thần cho thủ đô London, vương quốc Anh.

Nếu có một ngày được rảo bước trên giao lộ Piccadilly Circus, bạn đừng quên dành ra vài phút để chiêm ngưỡng biểu tượng mang tính thế kỷ Piccadilly Lights của nước Anh nhé!

Viết bình luận